Khi Y Thanh sinh ra đã thấy trong nhà nuôi con voi tên Nuôn, không lâu sau voi chết già, gia đình không có voi trong một thời gian dài. Từ nhỏ Y Thanh đã theo ông, cha làm đủ thứ nghề nhưng nghề mộc và tạc tượng Y Thanh giỏi nhất. Tuy nhiên, nghề quản tượng (nài voi) đến với Y Thanh như cái duyên và cũng là đam mê từ nhỏ.
Năm 1984, ông Y Thanh lập gia đình với bà H’Boăn Lưk. Sau khi có được chàng rể như ý, gia đình bà H’ Boăn Lưk góp vốn bằng chiêng, ché, trâu, bò để mua voi cái có tên Bun Nang về để làm những công việc nặng cho gia đình, dòng họ. Tuy nhiên, do được chăn thả trong rừng, khi mới về, voi Bun Nang sợ rất nhiều thứ và không chịu chở nhiều người, không chịu kéo gỗ... Quản tượng ép nó làm, nó phản ứng lại bằng cách nghiêng qua bên này, bên kia hoặc bất ngờ bỏ chạy thật nhanh rồi dừng đột ngột khiến nhiều quản tượng ngã.
 |
Ông Y Thanh và voi tại rừng Yang Tâo. |
Lúc này, chàng rể Y Thanh có dịp được trổ tài. Do khi còn nhỏ mê voi, hay đi xem voi và được ngồi trên nhiều voi khác nhau, Y Thanh đã học được cách ngồi khá vững, cách điều khiển, chế ngự voi bằng cây xiên có móc nhọn cùng những khẩu lệnh điều khiển voi. Y Thanh còn phát hiện trên thân thể voi có nhiều điểm yếu, khi nài voi tác động vào thì voi rất sợ, kết hợp với phán đoán, nhận biết đặc điểm, tính nết của từng con để dạy dỗ, voi sẽ nhanh chóng ngoan ngoãn vâng lời. Từ khả năng này, ông Y Thanh được nhiều chủ voi đến nhờ đi bắt voi.
Sau 3 năm ở rể, vợ chồng Y Thanh ra ở riêng. Phía dòng họ Y Thanh cũng góp vốn mua voi Băk Mon về nuôi. Cũng như voi Bun Nang, voi Băk Mon sợ đủ thứ, Y Thanh được chọn làm nài chính, chịu trách nhiệm huấn luyện. Ngày đến nhận voi, Y Thanh cho voi ăn mía, gọi tên bảo voi tiến lên, lùi lại, bảo voi quỳ, voi Băk Mon ngoan ngoãn vâng lời. Ông chủ voi rất bất ngờ và chỉ biết tiếc nuối khi Y Thanh ngồi trên lưng đưa voi về nhà mình.
Băk Mon từ một con voi trái tính bất ngờ phục tùng và chịu quỳ để Y Thanh cưỡi là điều chính Y Thanh cũng không lý giải nổi. Nhưng đó mới chỉ là một khởi đầu thuận lợi, ngay sau khi đưa voi về nhà, Y Thanh bắt tay vào huấn luyện để voi Băk Mon hòa nhập với cuộc sống, sinh hoạt của buôn làng, tập kéo gỗ... là cả một quá trình nhẫn nại, bền bỉ, lâu dài. Ông Y Thanh cho biết: “Nó phải làm mới có cái ăn, chứ cả dòng họ góp vốn mua nó về chỉ để ngắm thì không được. Dòng họ đã tin tưởng giao cho mình thì mình phải cố gắng chứ biết sao được. Ban đầu voi không chịu hợp tác, mình cứ phải kiên trì, ngày hôm nay không được thì sang hôm sau, hôm sau nữa, làm mãi, làm mãi rồi nó mới chịu chứ không dễ đâu”.
Không chỉ là một nài voi giỏi, ông Y Thanh cũng luôn trăn trở với việc làm thế nào để bảo vệ voi. Ông Y Thanh trải lòng: “Vừa qua có những ý kiến cho rằng bắt voi cõng khách là bóc lột sức lao động của voi, xét về góc độ đạo đức là đúng nhưng ai cho nó cái việc nào nhẹ hơn đâu? Muốn con voi làm du lịch nhẹ nhàng thì phải có phương án thế nào? Muốn voi nó đẻ phải có rừng, có nơi để voi tập trung giao lưu, chọn bạn tình mới có voi giao phối, mới có voi đẻ, mới cần trung tâm bảo tồn và phát triển. Voi không đẻ mà cứ chết dần, chết mòn thì bảo tồn chỉ ở trên cái ti vi thôi”.
Bài và ảnh: TRƯƠNG NHẤT VƯƠNG