Đã hơn 75 tuổi nhưng già làng Rơ Châm Tích luôn có mặt ở những “điểm nóng” của làng, khi thì hòa giải mâu thuẫn, tranh chấp; tuyên truyền, vận động người dân từ bỏ tập tục lạc hậu, hiến đất xây dựng nông thôn mới; định kỳ lại cùng cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh (Bộ đội Biên phòng tỉnh Gia Lai) tuần tra, bảo vệ đường biên, cột mốc, hay dẫn đầu tổ tự quản an ninh trật tự của làng không quản đêm hôm đến từng nhà nhắc nhở bà con bảo quản tài sản, mở ti vi nhỏ tiếng cho con em học bài... Việc nào có già làng Tích tham gia đều “xuôi chèo mát mái”, người dân đồng thuận, ủng hộ.

leftcenterrightdel

 Già làng Rơ Châm Tích (ngoài cùng, bên phải) cùng các lực lượng tuần tra bảo vệ đường biên, cột mốc.

Đặc biệt, già làng Rơ Châm Tích đã vận động bà con hiến hơn 300m2 đất và chặt bỏ hàng trăm cây ăn quả, cây cà phê để làm đường, xây dựng các công trình công cộng, giúp làng hoàn thành xây dựng nông thôn mới. “Làng mình có 228 hộ với hơn 1.000 nhân khẩu. Trước đây, cuộc sống của người dân khó khăn lắm, tỷ lệ hộ nghèo chiếm hơn 50%, nhưng giờ chỉ còn hơn 8% thôi. Trẻ con được học hành, đường sá được bê tông hóa khang trang, ô tô vào đến tận làng”, già làng Rơ Châm Tích vui mừng cho biết.

Theo già làng Rơ Châm Tích, để có kết quả như ngày hôm nay, đồng bào Gia Rai rất biết ơn sự quan tâm chăm lo phát triển vùng dân tộc thiểu số của Đảng, Nhà nước và cấp ủy, chính quyền địa phương. Song đời sống của đồng bào còn nhiều khó khăn. Chủ trương, chính sách của Đảng có rồi nhưng đồng bào không hiểu, không biết làm thì phải đi tuyên truyền, vận động cho bà con hiểu và thực hiện, có như vậy cuộc sống mới tốt lên được.

Khi được hỏi bí quyết để người dân tin và nghe theo, già làng Rơ Châm Tích cười bảo: “Đơn giản lắm! Mình cứ sống tốt, làm tốt thì dân làng sẽ tin, sẽ nghe thôi. Chẳng hạn như mình muốn vận động người dân phát triển kinh tế thì trước hết kinh tế gia đình mình phải vững. Muốn dân làng từ bỏ tập tục lạc hậu thì gia đình mình phải bỏ trước”.

Thực tế đúng như lời già làng Rơ Châm Tích nói, sau khi rời quân ngũ năm 1983 trở về làng, ông đã tự nguyện làm “sứ giả” để đưa chủ trương, chính sách của Đảng vào đời sống đồng bào. Ông tiên phong trong áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao thu nhập và hướng dẫn bà con làm theo; các hủ tục ăn sâu, bám rễ trong cộng đồng bao đời nay như: Tổ chức đám cưới, đám ma nhiều ngày, ăn uống tốn kém, chia của cho người chết, chữa bệnh bằng cúng bái, nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống... được ông kiên trì tuyên truyền, vận động bằng cả lời nói và việc làm để bà con thay đổi nhận thức, hành động. Ông đến từng gia đình có nương rẫy gần khu vực biên giới khuyên bảo bà con tuân thủ quy định của pháp luật, không xâm phạm vào đường biên, cột mốc... Cứ như vậy, mọi công việc, già làng Rơ Châm Tích làm trước rồi mới kiên trì tuyên truyền, vận động bà con làm theo...

Bài và ảnh: NGUYỄN ANH SƠN