Trong những năm qua, các phong trào thi đua xây dựng đời sống văn hóa, phát triển kinh tế ở địa phương đều có công sức đóng góp tích cực của già làng Điểu Hăng. Đặc biệt, già làng Điểu Hăng còn dành nhiều tâm huyết giữ gìn, bảo tồn bản sắc văn hóa đồng bào dân tộc S’tiêng”, đồng chí Đinh Quốc Huy, Phó chủ tịch UBND xã Tân Lợi cho biết.

Già làng Điểu Hăng giới thiệu với du khách bộ cồng chiêng của dân tộc S’tiêng. 

 

Cùng với các đồng chí lãnh đạo xã Tân Lợi, chúng tôi đến ấp Sóc Trào A thăm gia đình già làng Điểu Hăng. Trong ngôi nhà của già làng hiện sở hữu bộ cồng chiêng quý của đồng bào S’tiêng. Để có được loại nhạc cụ khi đánh lên đúng âm thanh nguyên thủy, già làng Điểu Hăng đã phải lặn lội đi nhiều địa phương trong tỉnh để sưu tầm. Khi mua về, có những chiếc cồng chiêng do để lâu ngày, bị vỡ, đánh không lên tiếng, già làng cất công ra tận TP Đà Nẵng để thuê thợ phục chế. Những chiếc cồng chiêng sau khi phục chế, âm thanh vang lên nghe trầm hùng, già làng Điểu Hăng vui mừng khôn xiết, bởi mong muốn lớn nhất của ông là có thể sưu tầm, tìm kiếm thêm nhiều bộ cồng chiêng của đồng bào dân tộc S’tiêng nữa.

Hiện nay, ngoài bộ cồng chiêng, trống độc mộc dân tộc (trống làm bằng thân gỗ liền), trong nhà già làng Điểu Hăng còn lưu giữ một số nhạc cụ dân tộc S’tiêng như tù và bằng sừng trâu, khèn bầu, đàn tre, trống nhỏ bằng gỗ bọc da, sáo, ché rượu cần... Ngoài ra, ông còn sưu tầm những dụng cụ sản xuất đặc trưng văn hóa của người S’tiêng như dao, liềm, đơm bắt cá, gùi đựng đồ, khung dệt thổ cẩm, trang phục... Già làng Điểu Hăng cho biết: “Văn hóa cồng, chiêng có ý nghĩa giáo dục con người gắn kết cộng đồng, vì vậy, chúng tôi coi đó là báu vật, truyền từ đời này sang đời khác. Hiện nay vào những ngày cuối tuần, tôi tham gia các lớp dạy đánh cồng chiêng cho con em dân tộc S’tiêng do xã An Khương tổ chức”.

Không chỉ sưu tầm, gìn giữ và bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc mình, già làng Điểu Hăng còn tích cực tham gia hoạt động từ thiện. Ông thường xuyên vận động các nhà hảo tâm ủng hộ kinh phí để mua hàng trăm phần quà tặng người nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số khó khăn. Ngoài ra, ông còn tự bỏ tiền mua 6 bộ trang sức cùng trang phục phụ nữ dân tộc S’tiêng để phục vụ múa hát trong các mùa lễ hội. Hiện nay, già làng Điểu Hăng đang làm nhà rông ở trước nhà để lưu giữ, trưng bày các vật dụng sản xuất lao động, các nhạc cụ truyền thống của người S’tiêng.  

Với những nỗ lực của mình, già làng Điểu Hăng chính là tấm gương sáng mẫu mực trong hành trình bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống, lưu giữ nét đẹp đặc trưng của đồng bào dân tộc S’tiêng.

Bài và ảnh: DUY HIẾN

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Xã hội xem các tin, bài liên quan.