Chị H’Li Đa Mlô, sinh năm 1989, là người dân tộc Ê Đê ở buôn Tơng Sinh, xã Ea Đar, huyện Ea Kar (Đắc Lắc). Sinh ra trong gia đình có 5 anh chị em, bố mất sớm, một mình mẹ gánh vác gia đình vô cùng vất vả, vì vậy, H’Li Đa Mlô luôn có ý thức học hành, chăm chỉ làm việc. Năm 2012, H’Li Đa Mlô tốt nghiệp Khoa Kinh tế nông lâm, Trường Đại học Tây Nguyên và trở về nhà với quyết tâm phát triển kinh tế trên mảnh đất quê hương.
Được đào tạo bài bản, H’Li Đa Mlô nhận thấy với lối nghĩ, cách làm truyền thống của bà con trong buôn thì rất khó để đủ ăn chứ chưa nói đến làm giàu, vì vậy việc quan trọng là phải ứng dụng khoa học kỹ thuật, từng bước tiếp cận phương thức sản xuất hiện đại. Năm 2014, gia đình H’Li Đa Mlô được trạm khuyến nông xã hỗ trợ 100 con gà giống.
 |
Chị H’Li Đa Mlô. |
Sau một năm chăn nuôi, H’Li Đa Mlô nhận thấy, với điều kiện khí hậu, thời tiết ở địa phương, việc tổ chức nuôi gà không phù hợp; nuôi dê và lợn lai rừng sẽ mang lại hiệu quả cao nhất. Đặc biệt là nuôi dê, con giống vừa ít bệnh tật, đây cũng là vật nuôi ăn tạp nên tận dụng được nguồn nguyên liệu có sẵn trong vườn. Nghĩ là làm, năm 2017, thông qua Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp”, được hội phụ nữ xã hỗ trợ vốn, kỹ thuật, H’Li Đa Mlô đầu tư xây dựng chuồng trại để nuôi 30 con dê nái, đồng thời đầu tư trồng mì (sắn), trồng cỏ, trồng cây ăn trái... Để chăn nuôi mang lại hiệu quả, chị học thêm kỹ thuật, kinh nghiệm nuôi dê sinh sản thông qua sách báo, tham quan các mô hình khởi nghiệp và qua các lớp tập huấn... Chỉ trong vòng một năm, 30 con dê đã sinh sản tốt, mang lại thu nhập cho gia đình H’Li Đa Mlô hơn 150 triệu đồng... Hiện nay, chị đang tiếp tục mở rộng, phát triển đàn dê.
Mới đây, tại Ngày hội khởi nghiệp cấp huyện và sơ kết 5 năm thực hiện Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp” giai đoạn 2017-2022 của huyện Ea Kar, mô hình “Chăn nuôi dê sinh sản và cải tạo vườn tạp, trồng cây ăn trái” của H’Li Đa Mlô được trao giải ba. Bà Vũ Thị Thanh Giang, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Ea Kar nhận xét: “H’Li Đa Mlô là tấm gương điển hình trong phát triển kinh tế của hội viên phụ nữ dân tộc thiểu số. Thành công của chị bắt nguồn từ việc từng bước thay đổi nếp nghĩ, cách làm, mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất”.
Bài và ảnh: TRƯƠNG NHẤT VƯƠNG
Những năm gần đây, có không ít tác phẩm văn học, nghệ thuật (VHNT) vi phạm các quy định pháp luật, ảnh hưởng đến lợi ích cộng đồng do các văn nghệ sĩ trẻ sáng tạo. Vì thế, việc tăng cường giáo dục, tuyên truyền cho những nghệ sĩ trẻ từ khi mới bắt đầu khởi nghiệp để nắm vững chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước về VHNT là rất cần thiết.