Nhằm từng bước xóa bỏ tập quán này, tỉnh Cao Bằng đã xây dựng, triển khai thực hiện Đề án di dời chuồng trại chăn nuôi gia súc ra khỏi gầm sàn nhà ở giai đoạn 2016-2020. Quá trình thực hiện đề án bước đầu mang lại kết quả tích cực, tuy nhiên cũng bộc lộ nhiều hạn chế, chủ yếu do thói quen của đồng bào khó thay đổi, cùng với đó là nhận thức về việc bảo vệ môi trường sống của bà con còn thấp, điều kiện kinh tế của nhiều hộ rất khó khăn...

Đối với đồng bào, gia súc là tài sản quý nên chưa dám di dời chuồng trại ra xa nhà vì sợ bị mất. Theo số liệu của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Cao Bằng, đến hết năm 2020 đã có gần 11.000 hộ dân ở Cao Bằng di dời gia súc ra khỏi gầm sàn nhà. Ngày 31-3-2021, UBND tỉnh Cao Bằng tiếp tục ban hành Kế hoạch di dời chuồng gia súc ra khỏi gầm sàn nhà ở giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh. Theo đó, phấn đấu đến năm 2025 di dời 100% chuồng gia súc ra khỏi gầm sàn nhà ở của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn.

Gia đình ông Trương Văn Đồn đã xây được chuồng trại nuôi gia súc cách xa nhà ở. 

Xã Nội Thôn, huyện Hà Quảng là một xã vùng cao biên giới của tỉnh Cao Bằng, kinh tế phát triển chậm, đời sống người dân còn nhiều khó khăn, hiện nay vẫn còn nhiều hộ nuôi gia súc dưới gầm sàn nhà ở. Ông Trương Văn Đồn, dân tộc Nùng, ở xóm Ngườm Vai, xã Nội Thôn, cho biết, địa hình ở đây chủ yếu là núi đá vôi trùng điệp, vì vậy, các hộ gia đình rất khó khăn để xây dựng chuồng trại cách xa nhà.

Năm 2019, được sự giúp đỡ về kinh phí của Đồn Biên phòng Tổng Cọt (Bộ đội Biên phòng tỉnh Cao Bằng) và chính quyền địa phương, gia đình ông đã quyết định di dời gia súc dưới gầm sàn nhà ở. Theo đó, gia đình đã xây dựng một chuồng trại, sau đó chia thành các ô nhỏ để vừa nuôi trâu, bò vỗ béo vừa để nuôi gà, nuôi lợn. "Từ khi di dời gia súc, gia cầm ra khỏi gầm sàn nhà ở, tôi thấy không khí trong lành, thoáng mát hơn, không còn mùi hôi thối, ruồi, muỗi cũng giảm nhiều", ông Trương Văn Đồn cho biết.

Trao đổi với chúng tôi, ông Lưu Trọng Hính, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hà Quảng cho biết: “Huyện đã chỉ đạo xây dựng, triển khai mô hình di dời chuồng trại chăn nuôi trâu, bò tập trung ra xa nhà ở. Đây là việc làm rất có ý nghĩa. Tuy nhiên, huyện Hà Quảng có nhiều xã địa hình phức tạp, nhiều hộ dân không có mặt bằng để làm chuồng trại riêng biệt. Bên cạnh đó, một số bí thư chi bộ, trưởng xóm cũng chưa quyết liệt trong thực hiện nên kết quả còn chưa được như kỳ vọng”.

Để có thể hoàn thành kế hoạch di dời gia súc ra khỏi gầm nhà ở, thời gian tới, các ngành, các địa phương ở tỉnh Cao Bằng cần đa dạng hóa nội dung, hình thức tuyên truyền theo hướng khuyến khích, biểu dương những cách làm hay, tập thể, cá nhân thực hiện tốt, gắn việc di dời chuồng trại với các mô hình phát triển sản xuất và xây dựng nông thôn mới, có chính sách hỗ trợ người dân hợp lý...

Bài và ảnh: HUYỀN TRANG