Những năm qua, huyện Sơn Động đã tập trung huy động nguồn lực, xây dựng nhiều mô hình để giảm nghèo bền vững với mục tiêu mỗi năm giảm bình quân 5% số hộ nghèo. Một trong những mô hình giảm nghèo được đánh giá là phù hợp với điều kiện tự nhiên, mang lại hiệu quả kinh tế cao là mô hình trồng cây dược liệu, trong đó có mô hình trồng nấm lim xanh dưới tán rừng tự nhiên.
    |
 |
Khai thác cây dược liệu. Ảnh minh họa: baochinhphu.vn
|
Năm 2015, huyện Sơn Động phối hợp với Viện Di truyền nông nghiệp (Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam) triển khai mô hình trồng nấm lim xanh dưới tán rừng tự nhiên. Ban đầu, mô hình được triển khai tại 10 hộ thuộc Hợp tác xã Sản xuất nấm ăn, nấm dược liệu huyện Sơn Động, quy mô mỗi hộ sản xuất là 1.000 bịch. Sau 7 năm hoạt động, đến thời điểm hiện nay, mô hình đã phát triển cả về số hộ và quy mô nuôi trồng, có những hộ thành viên mỗi năm trồng tới 20.000 bịch nấm. Trồng nấm lim xanh dưới tán rừng không chỉ giúp đồng bào ở Sơn Động đẩy lùi đói nghèo mà còn chung tay bảo vệ tài nguyên rừng. Anh Nguyễn Văn Cương, thành viên hợp tác xã cho biết: “Cây nấm lim xanh mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều loại cây trồng khác. Trong khi đó, quy trình trồng nấm không quá phức tạp. Những năm qua, gia đình tôi trồng 0,5ha, bình quân mỗi năm thu được 200kg nấm khô, với giá bán 700.000-800.000 đồng/kg, gia đình tôi cũng thu về khoảng 150 triệu đồng”.
Huyện Sơn Động là vùng đất có điều kiện thổ nhưỡng khá phù hợp với nhiều loại cây dược liệu. Bên cạnh nấm lim xanh, một số xã trên địa bàn huyện còn triển khai mô hình trồng cây ba kích tím, bước đầu cho thấy những tín hiệu tích cực. Hiện toàn huyện có khoảng 20ha ba kích tím, tập trung tại các xã: Yên Định, Thanh Luận, Cẩm Đàn, Vân Sơn...
Mô hình trồng cây ba kích tím đã giúp bà con vùng cao có thu nhập khá, từng bước thoát nghèo và vươn lên khá giả. Cây ba kích tím đã trở thành cây trồng chính trong cơ cấu sản xuất nông nghiệp của địa phương. Hiện nhiều hộ gia đình trong huyện đã có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi vụ từ cây ba kích tím, điển hình như gia đình ông Nguyễn Hải Đính, thành viên Hợp tác xã Ba kích tím Tây Yên Tử. Đầu năm 2016, ông Đính chuyển đổi 1ha trồng vải kém hiệu quả sang trồng ba kích tím. Hiện tại, gia đình ông Đính trồng gối 3 vụ, một vụ trồng đã được 4 năm, một vụ được 3 năm và một vụ được 2 năm. Ông Nguyễn Hải Đính cho biết: “Qua một thời gian gieo trồng, do cây ba kích tím phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng nên tỷ lệ sống cao, sinh trưởng, phát triển tốt. Có thể nói trồng cây ba kích tím là một trong những hướng đi đúng đắn ở địa phương”.
Trước những kết quả tích cực từ mô hình trồng cây dược liệu, thời gian tới, huyện Sơn Động tiếp tục quan tâm, rút kinh nghiệm, có những cơ chế chính sách phù hợp để nhân rộng mô hình, góp phần tạo sinh kế, nâng cao thu nhập cho người dân, đặc biệt là bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn của huyện...
TUỆ ĐĂNG