Phóng viên (PV): Đề nghị đồng chí khái quát một số kết quả nổi bật mà địa phương đã đạt được trong thực hiện Chương trình 1719 thời gian qua?
Đồng chí Nguyễn Kính: Tỉnh Đắk Lắk nằm ở trung tâm vùng Tây Nguyên, có 15 đơn vị hành chính cấp huyện, trong đó có 2 huyện nghèo và 4 xã biên giới; dân số gần 1,9 triệu người, với 49 dân tộc cùng sinh sống, trong đó DTTS chiếm 35,7%. Ngoài các DTTS đã cư trú lâu đời như Ê Đê, Mơ Nông, Gia Rai, còn có đông đồng bào DTTS ở các địa phương khác di cư tới lập nghiệp, như: Nùng, Tày, Mông, Dao.
 |
Đồng chí Nguyễn Kính. |
Toàn tỉnh có 130 xã thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi, trong đó có 54 xã khu vực III, 5 xã khu vực II, 71 xã khu vực I; 519 thôn, buôn đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi. Tỷ lệ hộ nghèo năm 2022 là 10,94%, trong đó tỷ lệ hộ nghèo DTTS chiếm 65,79% tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh.
Chương trình 1719 được phê duyệt và triển khai từ ngày 14-10-2021, theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, trên thực tế, địa phương mới được bố trí vốn để triển khai thực hiện từ giữa năm 2022.
Hơn hai năm qua, địa phương đã hỗ trợ đất ở, nhà ở cho 552 hộ; hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho 8.622 hộ; hỗ trợ chuyển đổi nghề, mua sắm máy móc, nông cụ cho 139 hộ; hỗ trợ phát triển sản xuất và sinh kế cộng đồng cho 1.259 hộ. Hiện nay, tỉnh đang triển khai thực hiện đầu tư 15 dự án ổn định, sắp xếp dân cư tại chỗ cho đồng bào DTTS tại 7 huyện; đầu tư mới 157 công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất, đời sống; 18 công trình trường phổ thông dân tộc nội trú tại 14 huyện, thị xã, thành phố; 2 dự án tại 2 trung tâm y tế của 2 huyện nghèo; đầu tư 1 dự án cải tạo, nâng cấp, mở rộng và xây dựng mới nhà văn hóa, khu thể thao thôn, buôn trên địa bàn 15 huyện, thị xã, thành phố; 1 dự án hỗ trợ đầu tư xây dựng 2 điểm đến du lịch tiêu biểu; duy tu, bảo dưỡng 174 công trình cơ sở hạ tầng trong vùng đồng bào DTTS và miền núi. Nhờ triển khai Chương trình 1719, tỷ lệ hộ nghèo là đồng bào DTTS giảm đáng kể: Nếu như năm 2021, hộ nghèo trong đồng bào DTTS chiếm 26,74% thì đến cuối năm 2023 giảm còn 19,7%.
 |
Cán bộ Ban CHQS huyện Krông Pắc và người dân buôn Kon Hring, xã Ea Yiêng trao đổi kinh nghiệm chăm sóc cây vải thiều. |
PV: Quá trình thực hiện Chương trình 1719, địa phương gặp những khó khăn, vướng mắc gì, thưa đồng chí?
Đồng chí Nguyễn Kính: Quá trình thực hiện, chúng tôi gặp một số khó khăn, như: Tiến độ lập và giao chi tiết chỉ tiêu, kế hoạch vốn giai đoạn và kế hoạch năm 2022 chậm so với kế hoạch; vốn sự nghiệp hằng năm trên giao chi tiết đến dự án, tiểu dự án thành phần và theo lĩnh vực chi của từng chương trình, làm hạn chế sự linh hoạt của địa phương trong việc xây dựng phương án phân bổ chi tiết dự toán bảo đảm phù hợp với khả năng triển khai thực hiện.
Trong giai đoạn đầu khi triển khai thực hiện chương trình, một số dự án thành phần, nội dung thành phần chưa được hướng dẫn đầy đủ. Định mức hỗ trợ để thực hiện các nội dung đất ở, đất sản xuất, nhà ở, nước sinh hoạt còn thấp so với thực tế...
Trước những khó khăn, vướng mắc đó, ngay từ giai đoạn lập kế hoạch chung cũng như từng dự án, tỉnh Đắk Lắk đã phân công trách nhiệm cho các cơ quan liên quan, người chủ trì tìm giải pháp tháo gỡ; kịp thời phân bổ chi tiết kế hoạch vốn cho từng dự án, nội dung ngay từ đầu năm. Bên cạnh đó, đã chủ động xác định các chỉ tiêu chính của chương trình để đưa vào chỉ tiêu kế hoạch kinh tế-xã hội của tỉnh từ đầu kỳ, huy động, cân đối, bố trí nguồn lực triển khai thực hiện...
PV: Thưa đồng chí, thực hiện Chương trình 1719, thời gian tới, tỉnh Đắk Lắk đặt ra những mục tiêu gì?
Đồng chí Nguyễn Kính: Mục tiêu của tỉnh Đắk Lắk đến năm 2025 là giảm tỷ lệ hộ nghèo trong vùng đồng bào DTTS 3,5%/năm; phấn đấu đến năm 2025 có 260 thôn, buôn và 26 xã ra khỏi diện đặc biệt khó khăn; từ năm 2025 đến 2030, phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo trong vùng đồng bào DTTS 3-4%/năm; tỷ lệ số thôn, buôn và số xã ra khỏi diện đặc biệt khó khăn là 50%.
Để thực hiện mục tiêu này, tỉnh xác định một số giải pháp trọng tâm như: Tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền và các tầng lớp nhân dân, nhất là đồng bào DTTS về Chương trình 1719, góp phần tạo sự đồng thuận và phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, khơi dậy ý chí tự lực vươn lên của đồng bào DTTS; kiện toàn, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức tham mưu tổ chức thực hiện Chương trình 1719 ở các cấp, nhất là cấp cơ sở; tập trung triển khai Chương trình 1719 một cách quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm, tránh tình trạng dàn trải, các biểu hiện tiêu cực, thất thoát, lãng phí...
PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!
KIỀU BÌNH ĐỊNH (thực hiện)
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Dân tộc, tôn giáo xem các tin, bài liên quan.