Lễ hội xuống đồng của người Giáy, xã Tả Van là dịp kết thúc một tháng Tết vui chơi, đồng thời mở đầu cho một chu kỳ sản xuất, một mùa vụ mới. Đây còn là dịp cúng thần cai quản địa bàn (Thổ địa) để cầu cho ngô lúa tốt tươi, chăn nuôi phát triển, xóm làng bình yên, mọi người khỏe mạnh,…
 |
Tái hiện dựng cây nêu trong Lễ hội xuống đồng.
|
Tại chương trình tái hiện, những khâu chuẩn bị cho lễ hội xuống đồng được người dân tộc Giáy, xã Tả Van thực hiện đầy đủ như: Các nghi thức làm quả còn, chặt cây nêu. Trước giờ dựng cột nêu, chủ lễ buộc vòng nhật, nguyệt vào ngọn cây, chờ giờ Thìn bắt đầu dựng. Sau khi rước mâm lễ vật tới chỗ định chôn cột cây nêu, chủ lễ quay về hướng mặt trời mọc, ra hiệu cho chủ làng thắp hương để thực hiện các nghi lễ đối với các thần trời, thần đất, xin được dựng cột nêu cho ngày lễ. Khi dựng cây nêu, ngọn cây phải được quay theo hướng Đông, hướng của sự bắt đầu, hướng của sự sinh sôi, nảy nở. Phần ném còn với mục tiêu tung quả còn xuyên thủng vòng mặt trăng đã thu hút đông đảo nhân dân và du khách tham gia.
 |
Mâm cúng tại Lễ hội. |
 |
Trứng đỏ may mắn truyền thống của người dân tộc Giáy, xã Tả Van, thị xã Sa Pa. |
Các hoạt động vui chơi khác thuộc phần hội của Lễ hội xuống đồng như: Các bài hát múa truyền thống, tái hiện lễ cưới của người Giáy, các trò chơi dân gian, giã bánh giầy truyền thống cũng được diễn ra trong không khí náo nhiệt của lễ hội và đặc biệt là trò kéo co (một trò không thể thiếu trong Lễ hội xuống đồng) cũng thu hút đông đảo các em học sinh, nhân dân xã Tả Van và du khách tham gia.
Lễ hội Roóng Poọc của người Giáy, xã Tả Van phản ánh ước nguyện về một cuộc sống ấm no, hạnh phúc, mùa màng tươi tốt. Toàn bộ phần nghi lễ và các trò chơi luôn gắn với tín ngưỡng phồn thực, cầu cho vạn vật sinh sôi, nảy nở. Dấu vết cầu mưa cũng phản ánh khá đậm nét trong Lễ hội xuống đồng, như dán giấy màu vàng hình con rồng trên vòng nhật, nguyệt với ý nghĩa đảm bảo cho mưa thuận gió hòa.
 |
Người địa phương giới thiệu về những nét đặc sắc của Lễ hội xuống đồng. |
 |
Tái hiện đám cưới người dân tộc Giáy, xã Tả Van, thị xã Sa Pa. |
Lễ hội Roóng Poọc thuộc loại hình lễ hội nông nghiệp, phản ánh một phần lịch sử sản xuất nông nghiệp trồng lúa nước của người Giáy qua tín ngưỡng: Phồn thực, đa thần, thờ mặt trời,… Lễ hội ra đời và phát triển từ chính cuộc sống lao động, sản xuất của người Giáy ở Tả Van đã hàng trăm năm nay, nên nó mang tính lịch sử và nhân văn sâu sắc. Đây là hoạt động sinh hoạt văn hóa cộng đồng mang tính chất tâm linh, kết hợp với các các trò dân gian,… gắn liền với đời sống tinh thần người Giáy, xã Tả Van, thị xã Sa Pa nói riêng và cộng đồng người Giáy sinh sống trong tỉnh Lào Cai nói chung.
 |
Du khách quốc tế tham gia trải nghiệm tái hiện lễ hội. |
Việc tổ chức tái hiện Lễ hội Roóng Poọc chính là biện pháp bảo tồn văn hóa truyền thống hiệu quả, được cộng đồng các dân tộc đồng thuận và hưởng ứng. Với những giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học tiêu biểu, Lễ hội Roóng Poọc của người Giáy (xã Tả Van, thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai) đã được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào năm 2013.
Bài, ảnh: PHẠM QUỲNH
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Dân tộc, tôn giáo xem các tin, bài liên quan.