Krông Bông là huyện nghèo của tỉnh Đắc Lắc, với gần 22.000 hộ (hơn 98.000 nhân khẩu, thuộc 25 dân tộc anh em). Theo số liệu của cơ quan chức năng, tính đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn huyện Krông Bông có 2.661 hộ, với 15.769 nhân khẩu DCTD, tập trung chủ yếu ở các xã: Hòa Phong, Cư Pui, Cư Đrăm và Yang Mao. Nhờ triển khai hiệu quả các chính sách định canh, định cư cùng sự chung tay, góp sức của các chương trình xã hội, từ thiện nên đời sống của bà con cơ bản ổn định. 

Người dân thôn Ea Rớt, xã Cư Pui, huyện Krông Bông đã có nước tưới cà phê nhờ công trình thủy lợi mới được xây dựng.  

Trong số những chính sách định canh, định cư phải kể đến 3 dự án sắp xếp, ổn định dân cư, gồm: Dự án sắp xếp, ổn định dân DCTD thôn Noh Prông, xã Hòa Phong đã định canh, định cư cho 470 hộ, với 2.608 nhân khẩu; các hộ dân được cấp tổng cộng 18,7ha đất ở và 420ha đất sản xuất; thôn Noh Prông cũng đã được đầu tư xây dựng đường điện sinh hoạt, công trình cấp nước sinh hoạt, đường giao thông nội vùng, các điểm trường tiểu học và THCS.

Dự án ổn định dân DCTD ở thôn Ea Lang, xã Cư Pui, đã ổn định được 1.236 hộ, với 8.007 nhân khẩu; đồng bào được cấp 23,77ha đất ở và 1.418ha đất sản xuất; thôn Ea Lang được đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu để bảo đảm đời sống. Dự án quy hoạch, sắp xếp ổn định dân DCTD thôn Cư Dhắt, xã Cư Đrăm đã ổn định cho 199 hộ, với 1.125 nhân khẩu; các hộ dân thôn Cư Dhắt được cấp 99,5ha đất ở và 437,8ha đất sản xuất; 78% hộ dân đã được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, 95% hộ có điện sinh hoạt. 

Cùng với 3 dự án trên, tháng 6-2022, từ nguồn ngân sách của Trung ương và của tỉnh, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp, phát triển nông thôn tỉnh Đắc Lắc đã đầu tư gần 120 tỷ đồng xây dựng hạ tầng giao thông, gồm 20km đường và một chiếc cầu, nhằm ổn định cuộc sống cho 192 hộ, với 1.028 nhân khẩu đồng bào dân tộc Mông DCTD vào thôn Ea Rớt, xã Cư Pui trong thời gian từ năm 1996 đến năm 2000.

Theo đồng chí Nguyễn Văn Tâm, Bí thư Đảng ủy xã Cư Pui, việc đầu tư hạ tầng giao thông đã giải quyết được khó khăn lớn nhất ở thôn Ea Rớt là đường sá đi lại khó khăn. Ngoài ra, vào năm 2021, thôn Ea Rớt cũng đã được đầu tư hơn 15,4 tỷ đồng xây dựng các công trình thiết yếu, gồm các điểm trường mầm non và tiểu học, nhà văn hóa cộng đồng, công trình cấp nước sinh hoạt tập trung... Nhờ vậy, về cơ bản, đồng bào DTTS ở thôn Ea Rớt đã được định canh, định cư vững chắc.

Có thể khẳng định, với việc triển khai hiệu quả các dự án, chương trình hỗ trợ đồng bào DTTS tại các thôn DCTD trên địa bàn huyện Krông Bông, bà con đã từng bước ổn định cuộc sống, tình trạng du canh, du cư, đốt phá rừng làm nương rẫy từng bước được xóa bỏ, tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới ở các xã đặc biệt khó khăn.

Bài và ảnh: BÌNH ĐỊNH