Kiên cường “tọa độ lửa”
Nhắc đến Hướng Lập nhiều người sẽ nghĩ đến bà Hồ Thị Oi (bản A Xóc)- người phụ nữ Vân Kiều đầu tiên dũng cảm bước qua “lời nguyền” để trồng lúa nước, từ đó không chỉ giúp “cắt” cái đói cho người Vân Kiều mà còn có gạo để góp nuôi bộ đội đánh giặc. Với thành tích đặc biệt ấy, năm 1962, bà Hồ Thị Oi được ra thủ đô Hà Nội gặp Bác Hồ, sau đó được bầu làm Chủ tịch xã Hướng Lập. Người ta vẫn kể Hồ Thị Oi lưng địu con, tay cấy lúa, tay cầm súng chiến đấu. Bà là biểu tượng của người phụ nữ Vân Kiều ở “tọa độ lửa” Cù Bai, bất khuất, kiên cường, dám làm, sẵn sàng đổi mới...
Tuyệt vời hơn cả, đó là ở vùng “đất lửa kiên trung” này, ngày hòa bình vẫn có thêm nhiều “Hồ Thị Oi” nữa. Những phụ nữ Vân Kiều ấy thay vì kết hôn sớm, quẩn quanh với nương rẫy, đã lấy việc học tập, nỗ lực vươn lên, khẳng định bản thân để thay đổi quan niệm, cách nhìn về vị trí, vai trò phụ nữ trong cộng đồng.
 |
Cán bộ Đồn Biên phòng Hướng Lập giúp gia đình bà Hồ Thị Oi treo cờ Tổ quốc. |
Sinh ra và lớn lên ở “tọa độ lửa” thôn Cù Bai, xã Hướng Lập, tốt nghiệp lớp 12, Hồ Thị Ven vì hoàn cảnh gia đình khó khăn nên không thi đại học mà tham gia vào công tác đoàn tại địa phương. Thực ra, vì đường sá xa xôi nên việc có được một học sinh hết lớp 12 không phải dễ dàng bởi vậy cô gái Hồ Thị Ven được cấp ủy xã Hướng Lập cử đi học sơ cấp, rồi trung cấp chính trị và được giao làm Phó chủ tịch Hội Nông dân xã Hướng Lập. Từ năm 2013 đến năm 2018, cứ thứ 7, chủ nhật mọi người nghỉ ngơi thì Hồ Thị Ven lại tự mình đi xe máy, vượt mấy chục cây số đường đèo Sa Mù ra trung tâm huyện Hướng Hóa theo học Đại học Nông Lâm (Đại học Huế). Năm 2016, Hồ Thị Ven được bổ nhiệm là Phó chủ tịch và sau đó là Chủ tịch UBND xã Hướng Lập.
Người ta có thể kể rất nhiều câu chuyện về Chủ tịch xã Hồ Thị Ven mà tựu trung đều thể hiện một nữ lãnh đạo đầy bản lĩnh. Là người sinh ra và lớn lên ở Hướng Lập, thế nên hơn ai hết nữ chủ tịch hiểu bà con cần gì, cái gì phù hợp với địa phương để từ đó có những quyết sách đúng đắn. “Bà con Vân Kiều còn nhiều vất vả, và đó luôn là trăn trở của những người đứng đầu chúng tôi. Chúng tôi nỗ lực tìm cách đẩy lùi hủ tục, lạc hậu, nâng cao dân trí, giúp bà con phát triển kinh tế. Hướng Lập còn nhiều khó khăn lắm nhưng cấp ủy, chính quyền địa phương không nản lòng, sẽ tìm cách tháo gỡ để cuộc sống của bà con ngày càng tốt hơn”- Chủ tịch Hồ Thị Ven chia sẻ.
 |
Bà Hồ Thị Ven trò chuyện cùng với phụ nữ bản Sê Pu-Tà Păng. |
Tháng 8 vừa qua, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025, Đồn Biên phòng Hướng Lập kết nối với Ban Nội chính Tỉnh ủy Quảng Trị để xây nhà cho bà Hồ Thị Pung (thôn Sê Pu-Tà Păng). Tuy nhiên, bà Pung lại chưa có đất. Ngay trong chiều hôm đấy, Chủ tịch Hồ Thị Ven đã cùng Bí thư Hồ Thị Thiệt vào Sê Pu để tìm hướng giải quyết. Kết quả, anh Hồ Văn Tuân đã đồng ý tặng mảnh đất của mình để Bộ đội Biên phòng cất nhà cho bà Pung.
Đảm việc nước, giỏi việc nhà
Cho đến bây giờ, xã Hướng Việt vẫn là địa phương dẫn đầu về diện tích lúa nước của các huyện miền Tây tỉnh Quảng Trị. Đó là nỗ lực của cấp ủy trong nhiều năm liền khi tập trung vào việc vận động đồng bào Vân Kiều nơi đây ngày càng mở rộng diện tích canh tác. Bởi vậy danh hiệu “xã có diện tích lúa nước lớn nhất” đã khẳng định “thành quả” cán bộ nhân dân, nhất là cho đến thời điểm hiện tại đây vẫn là cây chủ lực trong khi chưa có được cây, con giống mới giúp người dân thoát nghèo bền vững. Một trong những cán bộ tâm huyết ấy là Phó chủ tịch UBND xã Hồ Thị Sáu.
 |
Chân dung nữ Phó chủ tịch UBND xã Hướng Việt Hồ Thị Sáu. |
“May mắn” hơn nhiều bạn đồng trang lứa là từ nhỏ cha mẹ luôn quan tâm, đôn đốc việc học hành nên dù phải đi bộ, vượt núi băng rừng với đôi chân rớm máu, cô bé Hồ Thị Sáu cũng không bỏ học. Năm 2010, Hồ Thị Sáu tốt nghiệp Trường Phổ thông Trung học Dân tộc nội trú tỉnh Quảng Trị, sau đó theo học Trung cấp Nông nghiệp tại thành phố Đông Hà. Năm 2013, Hồ Thị Sáu được tuyển dụng vào UBND xã Hướng Việt với chức danh cán bộ Khuyến nông-Khuyến lâm. Thế nhưng, với tính cách năng động, tích cực, xông xáo trong công việc chung, năm 2015, Hồ Thị Sáu chuyển qua Phó bí thư Đoàn xã và 2 năm sau đó là Bí thư Đoàn xã.
Cũng như đàn chị Hồ Thị Ven, không bằng lòng, an phận với những gì mình có khi còn đang trẻ, từ năm 2013-2018, Hồ Thị Sáu đã đăng ký học liên thông Đại học Nông Lâm (Đại học Huế) theo hệ vừa học vừa làm. Càng nể hơn khi trong thời gian này, Hồ Thị Sáu kết hôn, sinh con nhưng vẫn tốt nghiệp đại học đúng theo lộ trình. Ở “vai” nào, Hồ Thị Sáu cũng luôn thể hiện mình là người có trách nhiệm, luôn nỗ lực hoàn thành tốt công việc. Vậy nên, tháng 11-2020, Hồ Thị Sáu có quyết định bổ nhiệm làm Phó chủ tịch UBND xã, khi ấy chị vừa tròn 29 tuổi nhưng ai cũng thấy thật xứng đáng.
 |
Gia đình hạnh phúc của Phó chủ tịch UBND xã Hướng Việt Hồ Thị Sáu. Ảnh: NVCC |
Trẻ trung, năng động, tài giỏi-là những gì người ta có thể thấy ở Phó chủ tịch Hồ Thị Sáu. Với nhiều bạn trẻ ở Hướng Việt, Hồ Thị Sáu là “thần tượng” vì chị là tấm gương điển hình về người phụ nữ “đảm việc nước, giỏi việc nhà” và lúc nào cũng đầy năng lượng tích cực. Năm 2016, Hồ Thị Sáu kết hôn với người lính Biên phòng- nay là Chính trị viên Tiểu đoàn Huấn luyện-Cơ động (Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình). Chồng xa nhà, một mình chị Sáu vừa phải đi làm, vừa chăm sóc cha mẹ, vừa nuôi dạy các con. Bận rộn với công việc gia đình, xã hội là thế nhưng chị vẫn luôn vui vẻ, lạc quan để luôn là hậu phương vững chắc cho chồng yên tâm công tác.
Theo Trung tá Hồ Lê Luận, Chính trị viên Đồn Biên phòng Hướng Lập, đơn vị luôn nhận được sự ủng hộ của cấp ủy, chính quyền địa phương là 2 xã Hướng Lập, Hướng Việt. Mặc dù là nữ thế nhưng bà Hồ Thị Ven, Hồ Thị Sáu nhưng rất trách nhiệm, xông xáo không thua kém gì cán bộ nam giới. Trong dịp Covid-19 bùng phát, đồng chí Hồ Thị Ven đã vận động người dân thôn Cù Bai cho đơn vị mượn đất, huy động người dân góp sức để làm chốt cho bộ đội ở. Ngay từ khi còn làm công tác đoàn thanh niên, Hồ Thị Sáu cũng đã huy động thanh niên thực hiện nhiều chương trình phối hợp với đơn vị để giúp người dân trên địa bàn, vận động người dân tích cực tham gia bảo vệ đường biên, cột mốc. Sự phối hợp nhịp nhàng giữa chính quyền địa phương và đồn Biên phòng là tiền đề vững chắc để bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia cũng như xây dựng thế trận Biên phòng toàn dân, an ninh nhân dân ở khu vực biên giới ngày càng vững mạnh.
Bài, ảnh: THANH TRÚC
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Dân tộc, tôn giáo xem các tin, bài liên quan.