Mới đây, chúng tôi có dịp đến thăm Mái ấm Giuse-nơi ông Đinh Minh Nhật vừa làm cha, làm mẹ, vừa làm thầy dạy học, nuôi dưỡng 142 trẻ bị bỏ rơi, không nơi nương tựa. Đầu năm 2004, ông Nhật chuyển từ TP Hồ Chí Minh đến huyện Chư Sê sinh sống. Vào một tối cuối tháng 4-2004, trong lúc đi trong làng, ông nghe tiếng ồn ào, khi đến gần thì thấy người dân đang chuẩn bị chôn sống một đứa bé người Gia Rai mới sinh được hai ngày thì mẹ mất, không rõ cha là ai (theo hủ tục của người Gia Rai, khi người mẹ không may chết lúc “vượt cạn” thì đứa trẻ sơ sinh phải chết theo). Thương xót đứa trẻ sơ sinh vô tội, ông xin già làng cho nhận nuôi đứa bé. Nhưng già làng không dễ gì đồng ý bởi theo quan niệm của người Gia Rai, đứa bé ra đời mà “khắc chết mẹ” là hiện thân của sự đen đủi, nếu không chôn sống thì cả làng sẽ bị Giàng trừng phạt. “Trước nghịch cảnh ấy, tôi càng quyết tâm cứu sống đứa bé. Sau 3 giờ đồng hồ thuyết phục dân làng, bà con đồng ý đổi đứa bé lấy một con heo 50kg để cúng Giàng và yêu cầu tôi phải mang đứa trẻ rời xa ngôi làng đó...", ông Đinh Minh Nhật nhớ lại.

leftcenterrightdel
 Các em nhỏ được ông Đinh Minh Nhật nhận nuôi tại Mái ấm Giuse.

Rời khỏi làng, ông Nhật bế đứa bé đang khát sữa mẹ đi xin sữa khắp nơi. Tuy nhiên, thấy đứa bé vừa đen, vừa gầy, sợ bị mắc bệnh nên không người phụ nữ đang nuôi con nhỏ nào dám cho bú chung với con mình. Nhiều người chỉ vắt sữa ra cái chén nhỏ để cho bé... Nuôi con vô cùng khổ cực nhưng thật may mắn, đứa trẻ ngày nào giờ đã khôn lớn, trưởng thành. “Tôi đặt tên cho bé là Đinh Hồng Phúc với mong ước con lớn lên sẽ hạnh phúc, biết yêu thương, giúp đỡ người khác”, ông Nhật bày tỏ.

Không chỉ riêng Hồng Phúc, ở Mái ấm Giuse còn nhiều mảnh đời bất hạnh mà ông Nhật đã cưu mang, nuôi nấng. 80% trong số đó là con đồng bào các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên, trong đó có 52 cháu nhỏ không rõ nguồn gốc gia đình nên ông Nhật đặt tên các con theo họ của mình. Lúc đầu, một tay ông Nhật chăm sóc các con. Khi các con lớn lên lại cùng ông chăm sóc các em nhỏ. Gần đây, một số nhà hảo tâm đã giúp mái ấm một phần kinh phí để trang trải cho việc chăm sóc các em... Đến nay, đã có 142 mảnh đời được ông Nhật dang tay giúp đỡ. Mới đây nhất là trường hợp cháu Đinh Thiện Tâm, ông mới "nhặt" được ngày 1-1-2024. Hôm đó, có người đến báo cho ông Nhật tin phát hiện một đứa bé bị bỏ rơi trên rẫy. Không chút do dự, ông chạy ngay lên rẫy, thấy đứa trẻ được quấn trong chiếc tã mỏng, cơ thể tím tái, hơi thở rất yếu, ông lập tức đưa bé đến bệnh viện. Sau khi thăm khám, bác sĩ cho biết khả năng sống của cháu bé rất thấp khiến ông chết lặng và chỉ biết cầu nguyện cho con qua khỏi. Bằng tình yêu, niềm hy vọng của người cha cùng niềm khát khao sống mạnh mẽ, Đinh Thiện Tâm đã vượt qua giây phút hiểm nguy như một kỳ tích. Giờ đây em đã được hơn 3 tháng tuổi, kháu khỉnh, khỏe mạnh.

Cuộc sống cứ thế trôi đi, chẳng ngờ trong một lần đi khám sức khỏe, ông Nhật phát hiện mình có khối u trong não. Dù vậy, ông nhất quyết không đi phẫu thuật mà để dành tiền cho các con ăn học. “Khi cha mắc bệnh đều giấu mọi người. Đến khi bác sĩ gọi về mái ấm, chúng tôi mới biết cha đã nén chịu những cơn đau suốt thời gian dài, đến lúc đi viện cũng chỉ ăn bánh mì với hộp sữa, tiết kiệm chi phí để lo cho hơn trăm đứa con”, anh Đình Trung, 26 tuổi, một trong những đứa trẻ được ông Nhật nuôi dưỡng cho biết. Dù bệnh tật nhưng ông Nhật luôn cố gắng để các con mình không phải thiếu thốn. Ông tâm sự, có những đêm các con thèm hơi ấm của người mẹ, chẳng biết làm thế nào, ông đành ôm con vào lòng và ru chúng vào giấc ngủ... Nhờ sự nuôi dưỡng, dạy bảo tận tình của ông Nhật, những đứa trẻ ông nhận về ngày một khôn lớn, trưởng thành. Đã có 4 em tốt nghiệp đại học, 13 em đang học đại học và 17 em đang học nghề. Mặc dù có đến 142 người con nuôi, nhưng chưa bao giờ ông Nhật gọi nhầm hay quên tên các con vì mỗi đứa là một kỷ niệm và cũng là dấu ấn với cuộc đời ông...

 Bài và ảnh: PHƯƠNG NINH

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Dân tộc, tôn giáo xem các tin, bài liên quan.