Từ các nguồn vốn của Trung ương, của tỉnh, thời gian qua, huyện Tân Uyên đã tập trung đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở, trong đó, có nhiều công trình phục vụ đồng bào dân tộc thiểu số như: Làm đường giao thông nội đồng, tu sửa lại nhà văn hóa, xây dựng công trình nước sinh hoạt… Là một trong những bản đặc biệt khó khăn của xã Trung Đồng (huyện Tân Uyên) hôm nay bản Pá Ngùa đã khoác lên mình “chiếc áo mới” ấm no hơn nhờ sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước, của tỉnh và huyện Tân Uyên.

Bản Pá Ngùa là nơi sinh sống của 54 hộ, 265 nhân khẩu đồng bào dân tộc Khơ Mú, Thái. Năm 2010 bản chuyển từ xã Tà Mít về Trung Đồng, nhường đất ở, đất sản xuất cho vùng ngập lòng hồ Thủy điện Bản Chát. Mặc dù đã được đầu tư cơ sở hạ tầng nhưng đến nay đã xuống cấp hoặc chật hẹp không đáp ứng được nhu cầu hiện tại. Bên cạnh đó, một số tuyến đường nội đồng chưa được đầu tư gây khó khăn cho phát triển sản xuất của hộ dân trong bản.

leftcenterrightdel

Không chỉ góp đất, người dân bản Pá Ngùa (xã Trung Đồng, huyện Tân Uyên) còn góp công sức làm đường giao thông nội đồng. 

Thấu hiểu những khó khăn, vất vả của bà con, năm 2022, từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia, bản Pá Ngùa được hỗ trợ nguồn vốn tu sửa lại nhà văn hóa bản và làm đường nội đồng phục vụ bà con đi lại sản xuất. Theo đó, bản được hỗ trợ 120 triệu đồng để làm mái, sân, sơn tường, cổng và hệ thống điện, nước khu nhà vệ sinh; vì vậy đã đáp ứng được nhu cầu về hội, họp và tổ chức giao lưu các hoạt động văn hóa, thể thao của đông đảo các tầng lớp nhân dân trên địa bàn.

Riêng đường nội đồng, bản được hỗ 460 triệu đồng đổ bê tông với chiều dài 1.042m. Để thuận tiện cho việc đi lại, phải mở rộng nền đường 3,5-4m, điều này sẽ ảnh hưởng đến diện tích đất sản xuất của một số hộ dân. Cấp ủy, chính quyền địa phương, Ban quản lý bản đã vào cuộc tuyên truyền sâu rộng về lợi ích của việc làm đường đến nhân dân thông qua các buổi họp bản, họp chi bộ và có sự hỗ trợ của các già làng, trưởng bản, người có uy tín. Hiểu ra làm đường giao thông nội đồng chính là phục vụ lợi ích cho mình, 10 hộ dân trong bản đồng lòng hiến hơn 2.000m2 đất chè, ruộng để mở rộng con đường.

leftcenterrightdel
Các tuyến đường giao thông nội đồng được đầu tư xây dựng giúp huyện Tân Uyên hình thành vùng sản xuất chè với hơn 3.300ha. Trong ảnh: Nông dân thị trấn Tân Uyên (huyện Tân Uyên) thu hái chè. 

Tuy nhiên, con đường được mở có nhiều dốc cao, quanh co và cần thêm nguồn vốn, năm 2023, bản được bố trí thêm 952 triệu đồng để hoàn thành tuyến đường. Đồng chí Lò Văn Nguyên, Bí thư Chi bộ bản Pá Ngùa chia sẻ: “Thấy các bản khác kinh tế ngày càng phát triển, đời sống nhân dân ngày một ấm no, một phần nhờ có đường giao thông nội đồng đi lại thuận tiện. Trong khi người dân của bản chủ yếu sống phụ thuộc vào gần 10ha chè và lúa 1 vụ mà đường ra khu sản xuất cũng không có. Mỗi khi mùa vụ đến, dân bản rất vất vả vì phải gánh lúa, chè vài trăm mét, thậm chí là hàng ki-lô-mét mới ra được tuyến đường thuận lợi. Nay được Nhà nước quan tâm đầu tư tuyến đường nội đồng, bà con ai cũng vui mừng, phấn khởi”.

Được biết, bản Pá Ngùa không chỉ được hỗ trợ tu sửa nhà văn hóa, làm đường nội đồng mà sắp tới còn được nâng cấp tuyến thủy lợi với chiều dài 989m với tổng số tiền 789 triệu đồng. Khi tuyến thủy lợi được nâng cấp xong, có nước về phục vụ sản xuất 2 vụ, sẽ là tiền đề quan trọng để bà con bản Pá Ngùa nỗ lực “bứt phá” trong phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Trong năm 2022, trên địa bàn huyện Tân Uyên có 10 công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu của vùng dân tộc thiểu số và miền núi được đầu tư, nâng cấp tu sửa, với tổng nguồn vốn hơn 4 tỷ đồng. Trong đó, thực hiện đầu tư 7 công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu các bản đặc biệt khó khăn gồm: 6 công trình giao thông, 1 công trình cấp nước sinh hoạt; duy tu bảo dưỡng, sửa chữa 2 công trình văn hóa, 1 công trình cấp nước sinh hoạt.

leftcenterrightdel
Cơ sở hạ tầng thiết yếu được đầu tư xây dựng giúp đồng bào các dân tộc thiểu số huyện Tân Uyên có điều kiện phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa. Trong ảnh: Nông dân bản Liên Hợp, xã Pắc Ta, huyện Tân Uyên thu hoạch ớt.

Năm 2023, 7 công trình đầu tư mới năm 2022 được bổ sung thêm 1 tỷ 667 triệu đồng để sớm hoàn thành tiến độ và đưa vào sử dụng. Đầu năm 2023, UBND huyện Tân Uyên ra quyết định phân bổ nguồn vốn đầu tư các dự án khởi công mới nguồn ngân sách Trung ương thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia để đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đầu bào dân tộc thiểu số và miền núi đến năm 2025 là 8 tỷ 735 triệu đồng. Trong đó, giao vốn năm 2023 là 3 tỷ 300 triệu đồng để đầu tư, nâng cấp một số tuyến đường giao thông nội bản, nội đồng, bến thuyền, thủy lợi, nước sinh hoạt.

Theo đồng chí Nguyễn Quốc Hương, Trưởng Phòng Dân tộc huyện Tân Uyên, căn cứ Thông tư số 02/2022/TT-UBDT ngày 30-6-2022 của Ủy ban Dân tộc hướng dẫn thực hiện một số dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021-2025, trong đó có tiểu dự án đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, ưu tiên đối với các bản, xã đặc biệt khó khăn.

Vì vậy, UBND cấp huyện chỉ đạo tập trung nguồn vốn đầu tư xây dựng dự án, công trình mà người dân ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn có nhu cầu cấp thiết. Cấp ủy, chính quyền địa phương các xã có công trình xây dựng đã tăng cường tuyên truyền, vận động để bà con tự nguyện hiến đất làm các công trình công cộng mà không đền bù để đảm bảo tiến độ. Đồng thời, phát huy dân chủ trong triển khai xây dựng công trình, dự án, hệ thống Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội của xã, bản và nhân dân tập trung giám sát tiến độ, chất lượng công trình. Khi các công trình này hoàn thành sẽ là “đòn bẩy” giúp nhân dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn trong huyện phát triển kinh tế, vươn lên xóa đói giảm nghèo và từng bước thu hẹp khoảng cách giàu, nghèo giữa các bản.

Bài, ảnh: KHÁNH PHƯƠNG

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Dân tộc, tôn giáo xem các tin, bài liên quan.