Nhằm giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết; đồng thời thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (Chương trình mục tiêu quốc gia 1719) giai đoạn 2021-2030; giai đoạn I, từ năm 2021 đến năm 2025, cả hệ thống chính trị Mèo Vạc đã chung tay vào cuộc.
 |
Huyện Mèo Vạc (Hà Giang) tăng cường truyền thông về tảo hôn, hôn nhân cận huyết.
|
Tình trạng tảo hôn tại Mèo Vạc thường xảy ra vào dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán hàng năm; chính vì vậy, để giảm thiểu tình trạng này, hàng năm vào khoảng 2 tháng trước Tết Nguyên đán, UBND huyện Mèo Vạc ban hành kế hoạch, phân công cụ thể cho từng ngành, đơn vị và địa phương căn cứ vào tình hình thực tế từng địa phương để lựa chọn nội dung, hình thức tuyên truyền, phổ biến phù hợp với từng nhóm đối tượng, địa bàn. Nội dung tuyên truyền bảo đảm ngắn gọn, thiết thực, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện để truyền tải đầy đủ đến cán bộ, người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn.
Sau dịp tết nguyên đán năm 2023, em Thò Thị Pả, sinh năm 2008, là một trong 8 trường hợp của xã Tả Lủng được chính quyền địa phương hỗ trợ kịp thời, không rơi vào cảnh tảo hôn. Khi đó, em mới 15 tuổi và về sống ở nhà bạn trai tại xã khác. Sau khi nắm được thông tin, cán bộ xã đã đến từng nhà để vận động, khuyên nhủ, sau đó em đã quay về sống với gia đình bố mẹ đẻ.
Em Pả chia sẻ: “Do còn thiếu hiểu biết, bản thân chưa nhận thức được sự vất vả khi lấy chồng sớm nên khi được cán bộ xã, thôn xuống tuyên truyền em đã hiểu ra và trở về nhà bố mẹ để tiếp tục đi học”.
 |
Trường Phổ thông dân tộc Bán trú THCS xã Khâu Vai (Mèo Vạc, Hà Giang) thành lập câu lạc bộ không tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. |
Ông Nguyễn Khắc Phố, Chủ tịch UBND xã Tả lủng cho biết: "Với sự vào cuộc kịp thời của chính quyền xã và vận động tích cực dần dần, nhận thức của người dân đã thay đổi. Nếu như trước đây, khi cứ mỗi dịp sau tết cả xã Tả Lủng thường có trên 10 vụ tảo hôn, nhưng kể từ khi Ban chỉ đạo phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết được thành lập, với sự vào cuộc cả hệ thống chính trị, nhất là đội ngũ người có uy tín trên địa bàn qua lồng ghép các buổi họp thôn, hiện nay đã không còn ghi nhận trường hợp tảo hôn mới phát sinh. Chỉ cần gia đình nào có biểu hiện tảo hôn, địa phương sẽ ngay lập tức ngăn chặn”.
Để tăng cường thông tin, tuyên truyền tới người dân, Trung tâm Văn hóa thông tin và du lịch huyện đã thực hiện tăng cường thời lượng truyền thanh, truyền hình, viết tin, bài; gia tăng các hoạt động thông tin, truyền thông, tuyên truyền, phổ biến pháp luật về hôn nhân và gia đình, tảo hôn và hôn nhân cận huyết bằng hình thức phù hợp, sinh động. Tập trung phản ánh những mặt trái, hệ lụy, hậu quả do tảo hôn và hôn nhân cận huyết gây ra cũng như những hậu quả pháp lý bất lợi đối với người thực hiện hành vi vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình.
 |
Tăng cường các hoạt động thể thao nâng cao đời sống tinh thần cho người dân. |
Các đơn vị trường học của huyện chủ động xây dựng kế hoạch tuyên truyền cụ thể như: Thành lập các câu lạc bộ làm công tác tuyên truyền, vận động học sinh, gia đình học sinh viết cam kết không tảo hôn, kết hôn cận huyết, tổ chức ngày hội đọc sách, các hội thi với chủ đề tìm hiểu pháp luật hoặc tìm hiểu về tác hại của tảo hôn, hôn nhân cận huyết… Đồng thời, các lực lượng chức năng Công an, Biên phòng, Quân sự tăng cường công tác tuyên truyền, phối hợp chặt chẽ bám nắm địa bàn nhằm kịp thời can thiệp nếu có trường hợp cố tình vi phạm.
Theo Trung tá Giàng Xuân Thắng, Trưởng Công an huyện Mèo Vạc: Đơn vị đã triển khai, quán triệt tới toàn thể cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị và công an 18 xã, thị trấn trên địa bàn tăng cường kiểm tra nhân khẩu, hộ khẩu, thực hiện chuyển khẩu, nhập khẩu theo đúng quy định của pháp luật; tăng cường nắm tình hình tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn quản lý. Phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng áp dụng các biện pháp xử lý hình sự khi có đủ yếu tố cấu thành tội phạm theo quy định của pháp luật đối với các trường hợp cố tình vi phạm.
 |
Lực lượng Công an tăng cường nắm bắt tình hình. |
Để nâng cao nhận thức cho bà con dân tộc thiểu số, triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia 1719, năm 2023 toàn huyện tổ chức hơn 3.100 buổi tuyên truyền, thu hút hơn 315.000 lượt người tham gia; cấp phát miễn phí hơn 8.900 tờ rơi, tờ gấp pháp luật cho nhân dân tìm hiểu; phối hợp với Cục Trợ giúp pháp lý, Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh tổ chức các hội nghị bồi dưỡng kiến thức nâng cao năng lực và tăng cường hiểu biết về trợ giúp pháp lý thu hút hơn 320 lượt người tham dự, đối tượng tham gia là Trưởng thôn, đại diện cán bộ chi hội đoàn thể, người có uy tín trong cộng đồng… Qua đó, bà con dân tộc thiểu số trên địa bàn của huyện đã dần thay đổi nhận thức, thực hiện đúng pháp luật về hôn nhân và gia đình, tình trạng tảo hôn đang có xu hướng giảm dần. Nếu như năm 2022, toàn huyện có hơn 100 cặp tảo hôn thì sau Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 toàn huyện chỉ còn xảy ra 34 cặp tảo hôn. Tuy nhiên, khi phát hiện các trường hợp có dấu hiệu tảo hôn, UBND các xã đã chỉ đạo các ngành, đoàn thể tuyên truyền vận động lập biên bản vi phạm hành chính và trục xuất các trường hợp tảo hôn về địa phương.
Ông Ngô Mạnh Cường, Phó chủ tịch UBND huyện Mèo Vạc cho biết: Cùng với đẩy mạnh công tác tuyên truyền, kiên quyết xử lý các trường hợp có dấu hiệu vi phạm, Mèo Vạc đã tập trung chỉ đạo phát triển kinh tế, xã hội, quan tâm đầu tư các công trình hạ tầng thiết yếu như giao thông, trường học, trạm y tế, hỗ trợ phát triển sản xuất. Chú trọng triển khai thực hiện hiệu quả các Chương trình mục tiêu quốc gia; nhất là Chương trình mục tiêu quốc gia 1719 nhằm nâng cao nhận thức, đời sống của người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn.
Bài, ảnh: HÀ LINH
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Dân tộc, tôn giáo xem các tin, bài liên quan