Để đưa nguồn vốn tín dụng đến đúng đối tượng thụ hưởng, hỗ trợ tối đa cho người nghèo và các đối tượng chính sách, những năm qua, Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) huyện Mỹ Xuyên thực hiện phương thức ủy thác tín dụng cho Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh và Đoàn Thanh niên huyện phát huy tối đa hiệu quả trong công tác quản lý, cho vay nguồn vốn tín dụng chính sách... Nhờ đó, nhiều người nghèo, đối tượng chính sách đã vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống từ nguồn vốn vay ưu đãi.

leftcenterrightdel
 Nhờ nguồn vốn vay ưu đãi, chị Lâm Thị Bal ở ấp Đại Ân, xã Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên phát triển mô hình trồng ớt sừng và thoát nghèo bền vững.

Ông Nguyễn Văn Trung, Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Mỹ Xuyên cho biết: “Trong 20 năm qua, chúng tôi đã triển khai 14 chương trình tín dụng chính sách với số tiền hơn 1.061 tỷ đồng. Qua đó giúp 71.649 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn, giúp 9.660 hộ thoát nghèo, giải quyết việc làm cho 3.307 lao động, hỗ trợ vốn cho 5.835 em học sinh, sinh viên được tiếp bước đến trường, giúp hơn 4.300 gia đình xây mới, sửa chữa nhà cửa. Chính nhờ nguồn vốn ưu đãi từ Ngân hàng CSXH đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo ở huyện Mỹ Xuyên từ 25,69% (năm 2002) xuống còn 1,62% (cuối năm 2021), giúp địa phương thực hiện thắng lợi các tiêu chí về giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng thành công huyện nông thôn mới”.

Điển hình trong số hộ đồng bào dân tộc thiểu số được vay vốn làm ăn hiệu quả là gia đình anh Thạch Sà Rươl, ở ấp Bưng Chụm, xã Tham Đôn, huyện Mỹ Xuyên. Năm 2016, thông qua Hội Nông dân xã, anh Rươl được tiếp cận vốn vay từ Ngân hàng CSXH 30 triệu đồng để phát triển sản xuất. Nhờ nguồn vốn ưu đãi này mà đến nay gia đình anh có thu nhập khá ổn định từ chăn nuôi bò. “Từ khi được tổ tiết kiệm và vay vốn Ngân hàng CSXH, gia đình tôi tập trung chăn nuôi bò, dần dần cũng có lãi nên cuộc sống đã ổn định, từng bước vươn lên thoát nghèo”, anh Rươl chia sẻ.

Còn với chị Lâm Thị Bal ở ấp Đại Ân, xã Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên, trước đây hoàn cảnh gia đình gặp nhiều khó khăn. Tuy gia đình chị có 3 công đất ruộng nhưng do còn sản xuất nông nghiệp theo cách truyền thống nên thu nhập thấp. Năm 2020, gia đình được hỗ trợ vay 40 triệu đồng, chị đầu tư cải tạo ruộng trồng ớt sừng và cây màu chuyên canh. Nhờ tính cần cù, chịu khó, tích lũy dần, đến nay, không những vươn lên thoát nghèo, mà gia đình chị còn chi hơn 100 triệu đồng để sửa lại căn nhà.

Chính nhờ nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng CSXH đã giúp nhiều hộ đồng bào Khmer ở tỉnh Sóc Trăng ổn định cuộc sống, nâng cao trình độ sản xuất, góp phần giảm nghèo nhanh và bền vững. Qua đó, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào cũng đang đổi thay từng ngày.

Bài và ảnh: GIA UYÊN