Hiện nay, Ngân hàng Chính sách xã hội-Chi nhánh tỉnh An Giang đang triển khai 18 chương trình cho vay tín dụng đối với đồng bào DTTS. Tính đến hết tháng 10-2022, ngân hàng đã cho hơn 7.600 hộ đồng bào DTTS vay vốn ưu đãi (chiếm 27,88% tổng số hộ đồng bào DTTS toàn tỉnh) với tổng số tiền gần 180 tỷ đồng. Ông Trần Thế Loan, Phó giám đốc phụ trách Ngân hàng Chính sách xã hội-Chi nhánh tỉnh An Giang cho biết: “Việc hỗ trợ vốn vay tín dụng với lãi suất ưu đãi, đồng hành trong đa dạng sinh kế của ngân hàng không chỉ giúp đồng bào DTTS vươn lên trong cuộc sống mà còn làm chuyển biến nhận thức, thay đổi tư duy sản xuất của bà con. Qua đó, đã có rất nhiều mô hình làm ăn có hiệu quả từ nguồn vốn vay để vươn lên thoát nghèo. Điển hình như ở huyện Tịnh Biên và huyện Tri Tôn, các hộ DTTS sau khi được vay vốn ưu đãi đã phát triển mô hình chăn nuôi bò, làm đường thốt nốt, dệt thổ cẩm, mang lại hiệu quả kinh tế cao”.

leftcenterrightdel
Nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội đã giúp đồng bào Chăm ở ấp Phũm Soài, xã Châu Phong (thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang) phát triển nghề dệt thổ cẩm. 

 

Trước đây, gia đình chị Neáng Tha Ray ở ấp Mằng Rò, xã Văn Giáo (huyện Tịnh Biên) là hộ nghèo, nhờ có nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội, đến nay, gia đình chị đã vươn lên thoát nghèo và có thu nhập ổn định. Chị Tha Ray cho biết: “Trước đây, do không có vốn làm ăn nên cuộc sống gia đình tôi rất khó khăn. Sau khi được Hội Phụ nữ xã bảo lãnh, tôi được vay 40 triệu đồng với lãi suất ưu đãi, gia đình quyết định nấu đường thốt nốt để phát triển kinh tế gia đình”. Nhờ cần cù, chịu khó làm ăn, đến nay, gia đình chị Tha Ray đã có thu nhập ổn định và ngày càng mở rộng quy mô sản xuất đường thốt nốt của gia đình.

Theo ông Men Pholly, Trưởng ban Dân tộc tỉnh An Giang, trong những năm qua, nguồn vốn tín dụng của Ngân hàng Chính sách xã hội đã tạo điều kiện thuận lợi giúp các hộ nghèo, hộ cận nghèo, trong đó có đồng bào DTTS xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế. Chính nhờ nguồn vốn ưu đãi đó đã góp phần giảm hộ nghèo là đồng bào DTTS trung bình từ 3 đến 4%/năm, từng bước thu hẹp khoảng cách mức sống của cộng đồng DTTS so với mức bình quân chung cả nước. Tính đến cuối năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo đồng bào DTTS ở tỉnh An Giang còn 3.969 hộ (chiếm 14,6%), hộ cận nghèo là 1.871 hộ (chiếm 6,88%). Chính nhờ nguồn vốn vay ưu đãi của ngân hàng đã giúp nhiều hộ đồng bào DTTS ở tỉnh An Giang ổn định cuộc sống, nâng cao trình độ sản xuất, tự lực vươn lên phát triển kinh tế, góp phần giảm nghèo bền vững, qua đó, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào cũng đổi thay từng ngày.

Bài và ảnh: PHƯƠNG NGHI