Năm 2008, khi đang là giảng viên Trường Đại học Kinh tế và Quản trị kinh doanh (Đại học Thái Nguyên), chị Trang nhận thấy không ít bà con đồng bào dân tộc quanh năm vất vả nhưng cuộc sống vẫn luôn thiếu thốn. Với khát khao mang lại sự thay đổi cho người dân, tận dụng thế mạnh của vùng là cây chè, năm 2018, chị Trang rời bục giảng, mạnh dạn thành lập HTX Trà Sơn Dung.

Chị Nguyễn Thị Như Trang (bên phải) quảng bá sản phẩm chè của Hợp tác xã Trà Sơn Dung với du khách.

Theo chia sẻ của chị Trang, những ngày đầu thành lập HTX gặp rất nhiều khó khăn, chị phải tự mình lăn lộn với từng mảnh đất, tìm hiểu từng kỹ thuật canh tác, hướng dẫn bà con cách chăm sóc cây chè một cách khoa học. Không ngại khó, ngại khổ, chị cùng bà con từng bước đưa cây chè trở thành nguồn sinh kế bền vững cho 14 thành viên chính thức, đa số là người dân tộc Tày, Nùng và 50 hộ liên kết ở các xã: Tân Cương, Phúc Xuân, Phúc Trìu (đều trực thuộc vùng chè đặc sản Tân Cương). Hiện nay, HTX cũng đã có 4 sản phẩm được chứng nhận OCOP 4 sao của tỉnh Thái Nguyên, trong đó có 1 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia và 2 sản phẩm tiêu biểu cấp khu vực.

Nhờ có HTX Trà Sơn Dung mà đến nay nhiều hộ dân, đặc biệt là bà con đồng bào dân tộc thiểu số đã thoát nghèo, cuộc sống dần khởi sắc, góp phần vào phát triển kinh tế địa phương. Bà Long Thị Châm (dân tộc Nùng) chia sẻ về sự thay đổi trong cuộc sống từ khi tham gia HTX Trà Sơn Dung: “Ngày trước, gia đình tôi chỉ trồng ít chè trên mảnh vườn nhỏ, không biết cách làm thế nào để chè phát triển tốt, sau đó được chị Trang đến tận nhà chỉ bảo từ cách bón phân, chăm sóc đến thu hoạch. Bây giờ, sau mỗi vụ chè, tôi không chỉ đủ tiền nuôi con mà còn có thể tích lũy cho tương lai”. Sự thành công của HTX Trà Sơn Dung là minh chứng cho cách đi đúng hướng trong phát triển kinh tế nông thôn ở các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS, nơi bà con còn gặp nhiều khó khăn.

Bài và ảnh: HỒNG PHÚC

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Dân tộc, tôn giáo xem các tin, bài liên quan