Cùng với đó, đồng bào DTTS được ưu tiên đào tạo nghề để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Đây được coi là một trong những chính sách quan trọng đối với lao động dân tộc thiểu số (DTTS) nhằm giải quyết việc làm, ổn định sinh kế và xóa đói, giảm nghèo. Do những hạn chế khách quan từ điều kiện địa lý, xã hội, công tác dạy nghề còn gặp một số khó khăn. Tuy nhiên, vượt qua những trở ngại đó, nhiều địa phương đã triển khai các giải pháp linh hoạt gắn mục tiêu dạy nghề với tạo việc làm, mang lại hiệu quả thiết thực trong công tác đào tạo nghề cho lao động vùng DTTS.

Nghề dệt thổ cẩm ở Hòa Bình. Ảnh minh họa: Vietnamnet.vn 

Thực hiện công tác đào tạo nghề cho lao động người DTTS, thời gian qua đã có hàng nghìn người được tham gia các lớp dạy nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp, qua đó đồng bào đã tự tin trong việc phát triển kinh tế gia đình, thậm chí đi xuất khẩu lao động. Nhiều tỉnh, thành phố đã tập trung nguồn lực nâng cao chất lượng đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm, giúp người dân có sinh kế bền vững. Trong thời gian qua, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, nhất là lao động ở các xã vùng sâu, vùng xa đã được tỉnh Yên Bái quan tâm. Như tại xã Yên Bình, huyện Yên Bình, nguồn thu nhập chính của người dân chủ yếu từ trồng cây bưởi. Trước đây do nhận thức của người dân trong việc ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất còn hạn chế nên hiệu quả chưa cao. Sau khi được Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Yên Bình tổ chức các lớp dạy trồng, chăm sóc cây ăn quả có múi, nhiều người dân đã có thêm kiến thức áp dụng vào quá trình chăm sóc vườn bưởi giúp tăng năng suất.

Tại các lớp dạy nghề ở Yên Bái được thực hiện theo phương châm “cầm tay chỉ việc” (dạy nghề kết hợp giữa lý thuyết và thực hành) nên các học viên đều dễ hiểu, dễ áp dụng kiến thức đã học vào thực tế. Cùng với đó, đào tạo nghề theo nhu cầu của người học gắn với tiềm năng, thế mạnh của địa phương cũng được đặc biệt quan tâm, từ đó tạo cơ hội cho người học sau khi học nghề có thể áp dụng ngay những kiến thức đã học để phát triển kinh tế gia đình. Như anh Hoàng Thảo ở xã Hán Đà, huyện Yên Bình trước đây tham gia lớp đào tạo nghề làm gỗ ván, sau khi học nghề, anh đã mạnh dạn vay vốn ngân hàng để mở xưởng sản xuất tại gia đình. Sau 3 năm, ngoài việc phát triển kinh tế bền vững, anh còn tạo việc làm cho hàng chục lao động với mức lương ổn định từ 5 đến 6 triệu đồng/người/tháng. Anh Thảo cho biết: “Cách đây 3 năm, tôi tham gia lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Sau khi học xong, tôi về mở xưởng sản xuất gỗ tạo việc làm cho người dân lao động nhàn rỗi ở địa phương. Từ đó tôi cũng phát triển kinh tế gia đình ổn định”.

Thực hiện Quyết định số 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ từ năm 2009 đến nay, tỉnh Yên Bái đã đào tạo nghề cho hơn 29.000 lao động nông thôn. Tỷ lệ lao động sau khi đào tạo có việc làm đạt trên 80%. Sau khi học xong, nhiều lao động áp dụng kiến thức đã học vào phát triển kinh tế, góp phần nâng cao năng suất lao động, tiết kiệm chi phí sản xuất, có việc làm mới ở cơ sở công nghiệp hoặc tự tạo việc làm tại xã. Theo đồng chí Nguyễn Minh Chính, Phó bí thư Đảng ủy xã Hán Đà, việc đào tạo nghề cho nông dân một cách bền vững rất quan trọng, giúp họ có kiến thức cơ bản về sản xuất hàng hóa. Từ đó tăng công ăn việc làm cho người lao động, tăng thu nhập cho người dân, góp phần xóa đói, giảm nghèo; đồng thời tạo điều kiện cho họ sản xuất ngay tại địa phương mà không phải ly hương.

Để tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo, dạy nghề, trong thời gian tới, các địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức cho lao động nông thôn, đặc biệt là lao động DTTS về tầm quan trọng của học nghề. Qua đó xây dựng cơ cấu ngành nghề hợp lý, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, góp phần quan trọng trong thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới của các địa phương.

TUỆ ĐĂNG