Vĩnh Tân (thị xã Vĩnh Châu) là xã ven biển có đông đồng bào Khmer sinh sống (chiếm hơn 68%). Triển khai thực hiện Chương trình 1719 giúp đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào ngày càng được nâng lên. Gia đình anh Lý Hoàng Sơn ở ấp Trà Vôn A, xã Vĩnh Tân trước đây do thiếu vốn, không có kinh nghiệm sản xuất nên cái nghèo cứ đeo bám mãi. Năm 2022, anh Sơn được chính quyền địa phương hỗ trợ kinh phí triển khai mô hình trồng rau an toàn.
 |
Chị Lâm Thị Sa Ly (bên phải) tham gia mô hình đan lục bình của ấp Vĩnh Hòa, xã Vĩnh Quới, thị xã Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng. |
Nhờ có nguồn vốn đầu tư xây dựng nhà lưới trồng rau, lại được cán bộ khuyến nông tận tình hướng dẫn kỹ thuật nên đến nay, gia đình anh Sơn đã thoát nghèo, xây sửa được nhà cửa khang trang, con cái được đến trường học hành đầy đủ.
Không chỉ gia đình anh Sơn, ở xã Vĩnh Châu có hàng trăm gia đình được hưởng lợi từ Chương trình 1719. Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Trần Trí Vân, Phó chủ tịch UBND thị xã Vĩnh Châu cho biết: “Thời gian qua, thực hiện Chương trình 1719, Vĩnh Châu đã phân bổ nguồn kinh phí hơn 4,1 tỷ đồng cho các xã, phường triển khai thực hiện 15 mô hình nuôi heo, dê, bò, cua, tôm... qua đó hỗ trợ 352 hộ nghèo, hộ cận nghèo là người dân tộc Khmer phát triển kinh tế, vươn lên ổn định cuộc sống”.
Tại ấp Vĩnh Hòa, xã Vĩnh Quới (thị xã Ngã Năm) hiện có 250 hộ dân sinh sống, chủ yếu là đồng bào dân tộc Khmer. Để giúp người dân vươn lên thoát nghèo, chính quyền địa phương đã triển khai mô hình đan lục bình. Đến nay, 90% hộ dân trong ấp tham gia mô hình, nhờ đó mang lại thu nhập trung bình cho người dân từ 70.000 đến 100.000 đồng/người/ngày. Gia đình chị Lâm Thị Sa Ly trước đây không có đất sản xuất, vợ chồng phải đi làm thuê nên thu nhập bấp bênh, không đủ chi phí sinh hoạt. Nhờ tham gia mô hình đan lục bình nên đến nay, đời sống gia đình chị Sa Ly từng bước thay đổi.
Đồng chí Lý Rotha, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Sóc Trăng cho biết: “Thực hiện Chương trình 1719, từ năm 2021 đến nay, tỉnh Sóc Trăng đã và đang triển khai hỗ trợ chuyển đổi nghề cho hơn 4.500 hộ dân với số tiền hơn 45,6 tỷ đồng; hỗ trợ đất ở cho 338 hộ, hỗ trợ nhà ở cho 1.899 hộ, hỗ trợ nước sinh hoạt cho 1.223 hộ, triển khai xây dựng 113 công trình dân sinh trong vùng đồng bào DTTS...
Tỉnh Sóc Trăng còn chỉ đạo 19 cơ sở có đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp tập trung ưu tiên đào tạo nghề, trang bị kiến thức, kỹ năng nghề cho 45.700 người, trong đó chủ yếu là người DTTS. Nhờ vậy, tính đến cuối năm 2023, tỉnh Sóc Trăng chỉ còn 4.116 hộ nghèo là người DTTS.
Bài và ảnh: KHÁNH UYÊN
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Dân tộc, tôn giáo xem các tin, bài liên quan.