Tại đây, các đại biểu được nghe các tham luận chuyên sâu, có cơ hội thảo luận mở với các chuyên gia. Từ đó đưa ra các giải pháp nhằm xây dựng thành công thương hiệu quốc gia cho gạo Việt, nhất là trong bối cảnh ngành lúa gạo Việt Nam hiện nay đang đạt được những thành tựu ấn tượng về xuất khẩu.

Quang cảnh hội thảo.

Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tổng khối lượng và giá trị xuất khẩu gạo 11 tháng đầu năm 2024 của Việt Nam đạt gần 8,5 triệu tấn với giá trị 5,31 tỷ USD, tăng 10,6% về khối lượng và tăng 22,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023.

Tuy nhiên, khi nói đến gạo Việt, người tiêu dùng vẫn chưa hình dung ra cụ thể đó là loại gạo nào. Bên cạnh đó, Việt Nam vẫn chưa xây dựng được thương hiệu gạo quốc gia có sự nhận biết rộng rãi, cũng như thiếu vắng các thương hiệu gạo của doanh nghiệp trên kệ bán lẻ thế giới. Phần lớn người tiêu dùng Việt Nam chỉ quan tâm đến giá cả mà chưa thực sự nhận diện và đánh giá cao thương hiệu. Điều này tạo ra nghịch lý khi gạo Việt Nam có thể xây dựng thương hiệu ở nước ngoài nhưng lại ít được công nhận ở chính quê hương.

Các diễn giả chia sẻ tại Hội thảo "Xây dựng thương hiệu quốc gia cho gạo Việt" diễn ra tại Sóc Trăng.

Hội thảo “Xây dựng thương hiệu quốc gia cho gạo Việt” là hoạt động đầu tiên trong chuỗi chương trình truyền thông xây dựng thương hiệu gạo Việt do Báo Tuổi Trẻ khởi xướng, được tổ chức từ năm 2024 đến hết năm 2025 và các năm tiếp theo.

Mục tiêu của chương trình là tạo ra một diễn đàn mở, kêu gọi sự tham gia tích cực của các chuyên gia hàng đầu, các doanh nghiệp và nhà quản lý có nhiều kinh nghiệm, để đưa ra những đề xuất thiết thực, góp phần xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam ngày càng vững mạnh trên thị trường quốc tế.

Tin, ảnh: THANH HÀ

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.