Một sớm Tà Păng

Khác với những tưởng tượng về mảnh đất xa xôi, thôn Tà Păng (xã Hướng Lập, huyện Hướng Hóa) hiện ra trước mắt chúng tôi thật yên bình với những nếp nhà sàn được dựng trên khoảnh đất quy hoạch tập trung, có đường bê tông sạch sẽ. Điểm nhấn là công trình Ánh sáng vùng biên (được Đồn Biên phòng Hướng Lập khánh thành vào ngày 3-3-2023, do Công ty Cổ phần tư vấn và xây dựng Năng lượng xanh, Công tuy TNHH CEA PROJECS hỗ trợ) tạo nên diện mạo mới cho Tà Păng. Từ ngày có điện chiếu sáng đã tạo điều kiện thuận lợi trong sinh hoạt cho nhân dân. Khi màn đêm buông xuống, nhờ những cột điện năng lượng mặt trời, thôn Tà Păng như bừng sáng giữa đại ngàn.

Tháng 6-2023, Công ty BEER HUDA và Đội bóng BOSS BEER tặng bà con Vân Kiều thôn Tà Păng 1 giếng nước sạch để không còn phải dùng nước khe vừa không đảm bảo vệ sinh lại vừa tốn thời gian đi lấy. Thế nhưng, sau 2 lần khoan thử, đội thợ đều lắc đầu bởi mũi khoan liên tục gãy vì gặp đá, không tìm thấy mạch nước. Trung tá Nguyễn Công Trình, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Hướng Lập quyết định: “Không khoan được giếng thì ta xây bể, lắp ống để dẫn nước về”. Điều đấy có nghĩa là bộ đội sẽ phải vất vả hơn rất nhiều, thế nhưng cán bộ, chiến sĩ đều đồng ý và nhanh chóng bắt tay vào việc.

leftcenterrightdel
Công trình Ánh sáng vùng biên ở thôn Tà Păng.

Tự vẽ thiết kế, tự mình trộn vữa, xây tường là những gì cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Hướng Lập làm khi xây công trình nước sạch cho bà con ở Tà Păng. Còn nhớ khi ấy đang là mùa hè nên cái nắng cháy da, cháy thịt; đây cũng là thời gian đồng bào đốt nương làm rẫy nên càng khiến không khí trở nên ngột ngạt. Thế là, nhà bếp dậy sớm hơn, đúng 6 giờ bộ đội ăn cơm xong để có mặt ở công trình. Thương những người lính Biên phòng vất vả vì dân, đàn ông phụ giúp khuân gạch, trộn vữa, phụ nữ mang nước mát đến. Tình cảm chân thành khiến mọi người không ai thấy mỏi mệt dù công việc nặng nhọc.

Chưa đến một tháng, một bể nước rộng, 2 nhà tắm, 2 công trình vệ sinh tự hoại đã được hoàn thành trong sự vui mừng của người Tà Păng. Già làng Pạ Diều nói như khẳng định: “Không kẻ xấu nào có thể chia rẽ tình cảm của bà con Vân Kiều ở Tà Păng với Bộ đội Biên phòng. Không kẻ xấu nào có thể khiến người Vân Kiều ở Tà Păng mất đi lòng tin với Đảng, với Bác Hồ, với chính quyền địa phương, với cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Hướng Lập. Bởi vì niềm tin ấy, mối quan hệ ấy được xây dựng trên cơ sở những người làm có thật, được qua thử thách”.

Dấu ấn Cù Bai

Cho tới giờ, thôn Cù Bai (xã Hướng Lập) vẫn là thôn có nhiều học sinh tốt nghiệp Trung học phổ thông, thi đỗ các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp nhiều nhất trong các xã biên giới của tỉnh Quảng Trị. Truyền thống cách mạng, tinh thần hiếu học đã giúp những thanh niên có thêm động lực học tập lên cao, trong đó có không ít người trở thành sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp đang công tác tại Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị. Bản làng thay đổi khi mỗi người dân thay đổi, nhất là khi luôn có sự đồng hành của cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Hướng Lập.

Tháng 6-2023, Đồn Biên phòng Hướng Lập đã vận động nhóm thiện nguyện Trường Sa HQ 571/2014 xây tặng cho nhân dân thôn Cù Bai công trình nước sạch gồm các hạng mục như: Mái che, bể chứa nước 20m3, 2 phòng tắm, 2 nhà vệ sinh khép kín có kinh phí 120 triệu đồng. Để tiết kiệm chi phí, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Hướng Lập nhận phần thi công, số tiền ủng hộ của nhóm thiện nguyện dùng phần lớn để mua nguyên vật liệu.

leftcenterrightdel
Công trình cổng chào tại thôn Cù Bai. 

Dịp này, Đồn Biên phòng Hướng Lập cũng vận động nhà hảo tâm 30 triệu đồng để làm cổng chào tặng cho thôn Cù Bai. Già làng Hồ Văn Đôn cho biết: “Già sinh ra ở Cù Bai nên được chứng kiến sự thay đổi của bản làng mình theo thời gian. Mừng lắm vì bản làng ngày càng giàu đẹp. Có bể nước sạch, có giếng khoan, có cổng chào giúp người dân có cuộc sống tốt hơn và cũng tạo nên diện mạo mới cho Cù Bai. Nhìn quê hương đổi mới, ngày càng giàu đẹp, già vui lắm”. Cũng theo già làng Hồ Văn Đôn, trong chiến tranh, người Cù Bai kiên cường, dũng cảm, khi hòa bình, người Cù Bai vẫn luôn một lòng tin theo Đảng, chăm chỉ, cần mẫn làm ăn, phát triển kinh tế vươn lên thoát nghèo. Người dân cũng tích cực cùng cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Hướng Lập bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.

Có lẽ, chính những điều ấy khiến những người lính Biên phòng luôn coi việc giúp đỡ người dân không chỉ là tình cảm mà còn là trách nhiệm. Bởi vậy mà ngày giúp bà con xây bể nước, tối lại lên lớp dạy chữ cho đồng bào nhưng những người lính Biên phòng chưa khi nào nề hà vất vả bởi tất cả đều vì mục đích làm cho cuộc sống của bà con tốt hơn. Đến nay, lớp học đã được 6 tháng, nhiều người đã biết đọc, biết viết và làm các phép tính đơn giản.

Vững vàng Ka Tiêng

Ka Tiêng là thôn giáp biên của xã Hướng Việt, có cửa khẩu phụ Tà Rùng phần nào giúp đời sống của người dân bớt khó khăn hơn khi có thể qua lại thăm thân, trao đổi hàng hóa, thế nhưng cùng với đó cũng tiềm ẩn những nguy cơ về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Chiều 22-8-2021, Tongleng Lo (sinh năm 1990, ngụ bản Sopna, huyện Viengthong, tỉnh Bolikhamxay, Lào) và Thongvang (sinh năm 1988, ngụ bản Phonsaat, huyện Khamcot, tỉnh Bolikhamxay, Lào) đưa ma túy sang khu vực biên giới Việt - Lào, thuộc địa bàn thôn Ka Tiêng thì bị lực lượng phòng, chống ma túy và tội phạm Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị phát hiện, bắt giữ. Tang vật thu giữ gồm 45,6kg ma túy đá và 1 khẩu súng quân dụng. Bởi vậy, việc xây dựng thế trận Biên phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân là việc được Đồn Biên phòng Hướng Lập thường xuyên quan tâm. Bên cạnh việc tuyên truyền người dân nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, còn tạo điều kiện để người dân nâng cao chất lượng cuộc sống để Ka Tiêng trở thành phên giậu vững chắc trên biên cương, qua đó góp phần thực hiện hiệu quả Đề án tổng thể và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.

leftcenterrightdel
Phụ nữ, trẻ em thôn Ka Tiêng mừng vui vì có nước giếng khoan. 

Trong 2 năm 2022 và 2023, thông qua Đồn Biên phòng Hướng Lập, nhóm thiện nguyện Mắt thương nhìn cuộc đời (tại tỉnh Thừa Thiên Huế) tài trợ 12 giếng khoan với tổng trị giá 396 triệu đồng. Cả 2 xã Hướng Việt, Hướng Lập có 9 thôn, như vậy số giếng nước có thể “phủ sóng” toàn xã. Đến nay, các giếng đã và đang hoạt động rất tốt, giúp người dân vừa có nước sạch sinh hoạt vừa giúp bà con đỡ vất vả, không còn phải đi xa lấy nước. Và, tất nhiên, thôn Ka Tiêng cũng được tặng giếng nước như các thôn, bản khác.

Chiếc giếng được khoan trên mảnh đất của ông Hồ Vai, bởi vậy ông kiêm quản lý việc bơm nước cho bà con trong bản. Khi chúng tôi tới, ông Vai đi vắng, thế nhưng cô con gái nhỏ nhanh chóng chạy vào nhà lấy ổ cắm điện và thao tác rất thành thục. Sau vài giây, dòng nước trong vắt phun ra từ miệng ống nhỏ. Trẻ con thấy bơm nước thì thích thú lắm nên mang chậu, mang xô và can ra đựng và tranh thủ tắm. Chị Hồ Thị Ly phấn khởi cho biết: “Tôi lấy chồng ở xã Hướng Tân, hôm nay về thăm mẹ. Trước đây, tôi phải đi lấy nước ở ngoài khe, vất vả lắm. Giờ thấy có giếng nước ngay gần nhà thế này, mẹ tôi không phải đi lấy nước ở xa nữa rồi”.

Có thể thấy, với sự nhiệt tình, trách nhiệm, luôn “coi việc của dân như việc của mình”, Đồn Biên phòng Hướng Lập trở thành “điểm tựa” vững chắc cho đồng bào Vân Kiều ở nơi biên cương này.

Bài, ảnh: THANH TRÚC

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Dân tộc, tôn giáo xem các tin, bài liên quan.