Thực hiện công tác dân tộc và chính sách dân tộc, Đảng, Nhà nước đã đề ra nhiều chủ trương, chính sách nhằm khai thác mọi tiềm năng của đất nước để phục vụ đời sống nhân dân các dân tộc, từng bước khắc phục khoảng cách chênh lệch, xóa đói, giảm nghèo.

Nhiều chính sách giúp đỡ đồng bào phát triển kinh tế được triển khai sâu rộng tới từng vùng, miền đã giúp tỷ lệ hộ nghèo tại các xã đặc biệt khó khăn giảm bình quân 3-4%/năm; hơn 98% số hộ DTTS được sử dụng điện lưới quốc gia, hơn 90% số xã được phủ sóng phát thanh, truyền hình; 100% số xã có hạ tầng viễn thông, các trường mầm non, tiểu học, THCS, hơn 99% số xã có trạm y tế chăm lo đời sống sức khỏe...

Có chính sách đặc thù hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số cải thiện đời sống-xã hội. (Ảnh: TTXVN) 

Một trong những vấn đề cấp thiết được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm đó là bảo đảm đời sống an sinh cho đồng bào DTTS, nhất là DTTS rất ít người. Tại Nghệ An, Hà Tĩnh, nơi mà cách đây khoảng 20 năm có những dân tộc, tộc người mới lần đầu tiên được phát hiện, sống trong hang sâu của dãy Trường Sơn hay trong vùng lõi của rừng quốc gia Pù Mát, đó là dân tộc Chứt và tộc người Đan Lai, để đưa những người đó về với cuộc sống đời thường là cả một quá trình cùng những chính sách hỗ trợ thiết thực, hiệu quả của Nhà nước và địa phương.

Với tộc người Đan Lai, thực hiện Quyết định số 280/2006/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Bảo tồn và phát triển bền vững tộc người thiểu số Đan Lai hiện đang sinh sống tại vùng lõi Vườn quốc gia Pù Mát, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An”, hàng trăm hộ dân Đan Lai đã được di dời tới các khu tái định cư. Tại nơi ở mới, các hạng mục cơ sở vật chất như điện, đường, trường, trạm, nhà văn hóa cộng đồng và các công trình phụ được đáp ứng đầy đủ, tạo điều kiện để bà con yên tâm phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống.

Cùng với việc giúp đồng bào ổn định đời sống, những năm qua, các cơ quan, ban, ngành cũng có nhiều chính sách giúp đồng bào DTTS phát triển kinh tế. Như xã Sủng Cháng là xã đặc biệt khó khăn của huyện Yên Minh (Hà Giang), toàn xã có hơn 600 hộ dân, phần lớn là đồng bào DTTS. Trước đây, người dân sinh sống chủ yếu dựa vào trồng trọt, chăn nuôi, tuy nhiên, đất đai kém màu mỡ, thiếu nguồn nước khiến việc canh tác không mang lại hiệu quả cao.

Thông qua các chương trình, chính sách, nhiều gia đình đã được hỗ trợ mua trâu giống, hỗ trợ tiền xây dựng chuồng trại ra xa nhà, xây dựng công trình phụ, trẻ em được đến trường...

Ông Thào Đức Minh, Phó bí thư Đảng ủy xã Sủng Cháng cho biết: “Từ khi nhận được sự hỗ trợ của Nhà nước, mọi mặt đời sống kinh tế-xã hội của người dân có nhiều thay đổi, như mỗi hộ nghèo có nhu cầu chăn nuôi sẽ được hỗ trợ 1 con bò, ngoài ra các cháu học sinh đi học còn được hỗ trợ tiền... Đây là động lực để các hộ nghèo vươn lên. Có thể nói, nhờ có các chính sách hỗ trợ, diện mạo nông thôn ở Sủng Cháng đã có những chuyển biến tích cực với kết cấu hạ tầng được đầu tư đồng bộ, khang trang và kiên cố...”.

Một chính sách khác được Đảng, Nhà nước hết sức quan tâm khi phát triển vùng đồng bào DTTS là việc bảo đảm quyền lợi y tế cho bà con. Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25-10-2017, Hội nghị Trung ương 6, khóa XII của Đảng về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới đã xác định y tế dự phòng là then chốt, y tế cơ sở là nền tảng để thực hiện vai trò là tuyến đầu trong phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe cho người dân.

Vì vậy, trong những năm qua, ngoài chủ trương xóa xã trắng về y tế, xây dựng, củng cố, hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở, Nhà nước còn có thêm nhiều chính sách hỗ trợ khám, chữa bệnh cho bà con, bảo đảm công bằng trong chăm sóc sức khỏe. Theo Nghị định số 20/2021/NĐ-CP của Chính phủ, từ ngày 1-7-2021 có thêm 3 nhóm đối tượng hưởng trợ cấp xã hội được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí, trong đó có các đối tượng là người cao tuổi hay trẻ em dưới 3 tuổi thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo đang sinh sống tại các xã, thôn vùng đồng bào DTTS miền núi, đặc biệt khó khăn.

Có thể nói, cho đến nay, hệ thống chính sách dân tộc được ban hành khá đầy đủ, bao phủ toàn diện các lĩnh vực nhằm hỗ trợ đồng bào các DTTS phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững. Các chương trình, chính sách về dân tộc đã thực sự mang lại hiệu quả, giúp đời sống đồng bào DTTS ngày càng vươn lên cả về vật chất và tinh thần.

TUỆ ĐĂNG