Những ngày cuối tháng 10-2023, có dịp trở lại xã Mường Chanh, chúng tôi hết sức ngỡ ngàng về sự đổi thay của địa phương. Vừa qua địa bàn xã Quang Chiểu, đập vào mắt chúng tôi là những dải lụa vàng óng của lúa nếp Cay Nọi đang vào kỳ thu hoạch được trải dài từ đỉnh đồi bậc thang tròn vạnh như một bàn tay khổng lồ giang rộng xuống lòng suối Sim. Nép mình dưới rừng vầu, rừng luồng, xoan lát xanh ngút ngàn là những ngôi nhà sàn ẩn hiện trong làn sương trắng tinh khôi, tô điểm là những vườn cam, vườn bưởi trĩu quả...

Cán bộ, nhân viên, trí thức trẻ tình nguyện Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 5 tuyên truyền chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước cho bà con bản Chai, xã Mường Chanh. 

Điểm dừng chân của chúng tôi là bản Piềng Tặt. Nằm bên dòng suối Sim, bản Piềng Tặt được biết đến là bản có nhiều mô hình gia trại trù phú nhất của xã Mường Chanh. Vào thăm gia đình anh Vi Văn Yêu, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng bản Piềng Tặt. Ngồi bên nếp nhà sàn, dưới bảng lảng sương khói, thư thái nhấp một ngụm trà, anh Yêu nói: “Thời gian trôi nhanh thật! Nhẩm đi, nhẩm lại đã qua một thập niên. Nhớ lại những ngày đầu bắt tay vào xây dựng bản nông thôn mới mới thấy được kỳ tích của cán bộ và nhân dân trong bản, trong đó có sự giúp sức rất lớn của cán bộ, nhân viên Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 5”.

Theo anh Yêu, trước khi xây dựng nông thôn mới, đời sống đồng bào nơi đây vô cùng khó khăn, cái đói, cái nghèo cứ bủa vây; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội thiếu ổn định; tỷ lệ hộ nghèo còn khá cao; thu nhập bình quân đầu người thấp... Là đối tượng mà Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 hướng đến nên với sự quyết tâm cao của cán bộ, nhân dân trong bản và sự hỗ trợ của Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 5, đầu năm 2022, Piềng Tặt đã về đích nông thôn mới. Từ cuộc sống chủ yếu phụ thuộc vào tự nhiên, đến nay nhiều gia đình ở bản Piềng Tặt đã vươn lên thoát nghèo từ phát triển kinh tế theo mô hình gia trại với các giống cây, con cho thu nhập cao như nuôi bò đen, lợn đen, trồng lúa nước 2 vụ, trồng bưởi Diễn… 

 Hướng dẫn bà con kỹ thuật chăm sóc cây lúa nước. 

“Để đạt được kết quả trên chắc phải có động lực nào lớn lao lắm?”, tôi hỏi Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng bản Vi Văn Yêu? “Đúng vậy, Piềng Tặt có thành quả như ngày hôm nay trước hết là nhờ sự chung tay, giúp sức hỗ trợ nguồn lực của các cấp từ Trung ương đến địa phương, trong đó có sự hỗ trợ đắc lực của bộ đội Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 5 trong quá trình xây dựng nông thôn mới. Bởi vậy, giờ đây người dân bản Piềng Tặt đã biết thay đổi cách nghĩ, cách làm, biết áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất và đời sống”, anh Yêu bộc bạch.

Những điển hình phát triển kinh tế theo mô hình trang trại, gia trại kết hợp VACR của các gia đình: Anh Lò Văn Ún, anh Lương Văn Thiện ở bản Piềng Tặt hay sự vươn lên thoát nghèo của các gia đình: Chị Lò Thị Lom, anh Lộc Văn Thơm ở bản Na Hin; anh Lương Văn Hào, người dân tộc Thái ở bản Na Hào đều có sự hỗ trợ, giúp đỡ của cán bộ, chiến sĩ Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 5.

Cán bộ, nhân viên Đội sản xuất 3 hướng dẫn đồng bào kỹ thuật chăm sóc cây bưởi Diễn. 

Trong buổi làm việc với Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Mường Chanh, anh Bùi Văn Nhân cho biết: “Xã Mường Chanh có 22,5km đường biên giới tiếp giáp với huyện Viêng Xay, nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào. Diện tích tự nhiên là 6.564,97 ha, trong đó đất nông nghiệp là 6.105,51 ha, chiếm 93%; dân số có 830 hộ, với 3.745 nhân khẩu, có 4 dân tộc cùng sinh sống là Thái, Khơ Mú, Kinh, Mường, trong đó dân tộc Thái chiếm trên 90% dân số. Trước năm 2011, Mường Chanh là một trong những xã đặc biệt khó khăn của huyện Mường Lát. Cơ sở hạ tầng khi đó còn rất yếu và thiếu, hầu hết các thôn, bản chưa có đường ô tô hoặc xe máy. Từ trung tâm huyện muốn vào Mường Chanh phải vật lộn với con đường gập ghềnh, khúc khuỷu, rất vất vả. Cả xã chỉ có vài chiếc xe máy, điện lưới cũng chưa tới được nhiều thôn, bản; hộ đói, nghèo đều vượt trên 50% theo tiêu chí cũ...”.

Cùng với đầu tư cơ sở hạ tầng, Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 5 đã triển khai hướng dẫn người dân hình thành một số mô hình phát triển sản xuất có hiệu quả như nuôi bò sinh sản, trồng rừng tập trung, khai hoang trồng lúa nước... nhờ đó nhiều gia đình đã từng bước thoát nghèo. Thu nhập bình quân đầu người của xã, 9 tháng đầu năm 2023 đạt 21,5 triệu đồng (gấp hơn 2 lần so với năm 2011); tỷ lệ hộ nghèo đa chiều là 28% (giảm 37,9% so với năm 2011, bình quân giảm 3,7%/năm). Đến nay Mường Chanh đã có 4 bản đạt chuẩn nông thôn mới và toàn xã đã đạt được 13/19 tiêu chí nông thôn mới.

Hướng dẫn cách phòng bệnh ở gia súc. 

Có thể nói, cái được lớn nhất ở Mường Chanh là phong trào phát triển kinh tế hộ gia đình đã tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong toàn xã. Từ sự hỗ trợ cây, con giống và sự hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, sản xuất của bộ đội Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 5, đến nay ở Mường Chanh nhiều mô hình đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế. Tiêu biểu như mô hình chăn nuôi bò của Chi hội Phụ nữ bản Chai; mô hình thâm canh lúa lai tại bản Cang, bản Bóng... Thông qua các mô hình giúp cho nhiều hộ gia đình vươn lên thoát nghèo, trở nên khá giả như hộ gia đình ông Vi Văn Nường ở bản Chai; hộ gia đình ông Lương Văn Thiện ở bản Piềng Tặt, chăn nuôi gia súc, gia cầm cho thu nhập khoảng 200 triệu đồng/năm...

Giới thiệu mô hình nuôi vịt siêu đẻ của gia đình ông Lương Văn Thiện ở bản Piềng Tặt nhân rộng cho bà con. 

Theo đồng chí Lục Văn Tâm, Bí thư Đảng ủy xã Mường Chanh, tuy cuộc sống bà con nhân dân vẫn còn có những khó khăn nhất định nhưng so với trước đây đã có sự vươn lên mạnh mẽ. Trong sự đổi thay đó, có sự hỗ trợ đáng kể của cán bộ, nhân viên Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 5. Sự tận tâm, tâm huyết của bộ đội Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 5 không chỉ góp phần nâng cao cuộc sống đồng bào mà đã trực tiếp thay đổi cách nghĩ, cách làm cho bà con.

Chia tay Mường Chanh trên đường trở về, chúng tôi bắt gặp nhiều đoàn khách đến tham quan các mô hình chăn nuôi, trồng trọt của đồng bào. Cùng với đó, là những đoàn xe của thương lái đi vào các bản mua sản vật của nhân dân chở về xuôi. Chứng kiến sự đổi thay nơi biên cương Tổ quốc trong mỗi chúng tôi trào dâng cảm xúc về vùng đất vốn chất chứa nhiều gian nan, vất vả.

Bài, ảnh: NGỌC THĂNG

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Dân tộc, tôn giáo xem các tin, bài liên quan.