Thời gian qua, các cấp, ngành trong tỉnh luôn quan tâm, chăm lo, hỗ trợ, giúp đỡ nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, trong đó có giáo dục ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi.

Đồng chí Thạch Tha Lai, Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Trà Vinh cho biết: “Những năm qua, việc đầu tư cho giáo dục, đào tạo đã được các cơ quan, ban, ngành và chính quyền các địa phương thực hiện đầy đủ, kịp thời. Tỉnh đã tập trung nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học; thực hiện các chính sách hỗ trợ đối với giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục công tác ở vùng DTTS; hỗ trợ học phí, tiền ăn, ở cho học sinh là người DTTS. Hệ thống các trường phổ thông dân tộc nội trú, phổ thông dân tộc bán trú từng bước phát triển và khẳng định vị trí quan trọng trong việc đào tạo nguồn nhân lực là người DTTS”. 

Nhà sư chùa Thlốt (xã Hiệp Hòa, huyện Cầu Ngang) dạy các em nhỏ học tiếng Khmer. 

Đặc biệt, thực hiện Dự án 5 (Phát triển giáo dục, đào đạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực) thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030; giai đoạn I từ năm 2021 đến 2025, trong năm 2024, tỉnh Trà Vinh được bố trí hơn 48 tỷ đồng để xây sửa, nâng cấp các trường, lớp học và hỗ trợ cho giáo viên, học sinh vùng DTTS, nhờ đó đã giúp nhiều học sinh có điều kiện đến trường. Chị Kim Mỹ Hoa, ở xã Hàm Giang (huyện Trà Cú) cho biết: “Bà con dân tộc Khmer chúng tôi rất vui vì con em mình được địa phương, nhà trường, ngành giáo dục chung tay chăm lo, hỗ trợ. Như gia đình tôi thuộc diện hộ cận nghèo, nếu không được miễn, giảm học phí thì có lẽ hai con tôi sẽ khó có điều kiện đến trường”.

Cùng với nhà trường, các cơ sở tôn giáo ở tỉnh Trà Vinh cũng đã mở nhiều lớp bổ túc văn hóa tiếng Khmer. Các lớp học này được đầu tư đầy đủ cơ sở vật chất bảo đảm đáp ứng nhu cầu học tập của các em học sinh. Người dạy ở những lớp này là nhà sư, các vị achar đều nhận được chính sách hỗ trợ của chính quyền địa phương. Đại đức Thạch Đa Ra, sư cả, trụ trì chùa Thlốt (xã Hiệp Hòa, huyện Cầu Ngang) cho biết: “Kỳ nghỉ hè năm học 2023-2024, nhà chùa đã mở được 11 lớp dạy bổ túc văn hóa tiếng Khmer và 1 lớp dạy tin học cho 226 tăng sinh, học sinh.

Qua các lớp học, mong muốn lớn nhất của nhà chùa là giúp học sinh nâng cao trình độ, có ý thức bảo tồn bản sắc văn hóa đồng bào Khmer”. Theo đồng chí Nguyễn Quỳnh Thiện, Phó chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh, thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện các chủ trương, chính sách đổi mới và phát triển giáo dục vùng đồng bào DTTS, ưu tiên nguồn lực để đầu tư kiên cố hóa trường lớp ở vùng đặc biệt khó khăn, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, thực hiện tốt chính sách đối với người dạy, người học... nhằm đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục trong tình hình mới.

Bài và ảnh: KHÁNH UYÊN

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Dân tộc, tôn giáo xem các tin, bài liên quan.