Phát triển mô hình du lịch cộng đồng ở bản Tìa Ló là chủ trương của huyện Điện Biên Đông đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, nhằm bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc, tạo sinh kế cho người dân, hướng tới phát triển kinh tế - xã hội bền vững, qua đó giáo dục tình yêu quê hương, bản mường, xây dựng tình đoàn kết trong cộng đồng dân cư. 

Mới đây, chính quyền xã Noong U đã tổ chức lớp tập huấn phát triển du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn cho người dân bản Tìa Ló, trong đó các học viên thực hành xây dựng mô hình, địa điểm check-in ngay tại vườn nhà dưới sự hướng dẫn của giảng viên đến từ Trường Cao đẳng Kinh tế-Kỹ thuật Điện Biên.

leftcenterrightdel

Giảng viên đến từ Trường Cao đẳng Kinh tế-Kỹ thuật Điện Biên (ngoài cùng bên phải) hướng dẫn người dân làm, sắp đặt mô hình khèn. 

Với đôi bàn tay khéo léo và khối óc sáng tạo, những người nông dân vốn chỉ quen với việc nương rẫy, chăn thả gia súc đã tạo dựng được mô hình check-in lý tưởng bao gồm nhiều dụng cụ quen thuộc với đời sống thường ngày của người dân tộc Mông như: Khèn, điếu cày, nhà truyền thống… được bố trí sao cho hợp lý, đẹp mắt.

Anh Chá A Mua cho biết bà con rất hào hứng tham gia lớp tập huấn bởi mọi người nhận thấy lợi ích của việc phát triển du lịch cộng đồng khi vừa giúp cải thiện thu nhập, vừa gìn giữ và phát huy, quảng bá những nét văn hóa đặc sắc của bản đến với du khách. “Du khách đến với Tìa Ló sẽ được tham quan nhiều địa điểm đẹp, đồng thời được trải nghiệm nhiều phong tục, tập quán truyền thống của người Mông chúng tôi”, anh Mua chia sẻ.

Bên cạnh đó, nhiều gia đình bắt đầu đầu tư chỉnh trang, nâng cấp, dọn dẹp sân vườn; bố trí nơi ăn, nghỉ, trải nghiệm của du khách; xây mới thêm các phòng ở. Đơn cử như gia đình anh Hờ A Sếnh, trước đây chỉ ở căn nhà rộng chừng 50m2. Khi đăng ký tham gia vào chương trình phát triển du lịch cộng đồng, gia đình quyết định xây thêm một nhà mới rộng 40m2 để đón tiếp du khách. Hiện ngôi nhà mới đã xây xong, đang trong quá trình hoàn thiện nội thất. “Tôi mong rằng sẽ có nhiều khách du lịch đến với Tìa Ló. Gia đình có thêm thu nhập và bản làng ngày càng phát triển”, anh Sếnh cho biết.

leftcenterrightdel
Gia đình anh Hờ A Sếnh đang hoàn tất ngôi nhà mới.

Theo đồng chí Cứ A Chá, Chủ tịch UBND xã Noong U, Huyện ủy, UBND huyện Điện Biên Đông chọn xã Noong U và cụ thể là bản Tìa Ló để tổ chức mô hình điểm về du lịch cộng đồng. Đảng ủy, UBND xã đã ra nghị quyết, có công văn chỉ đạo thực hiện. Đến nay, huyện Điện Biên Đông đã lựa chọn 5 hộ của bản Tìa Ló làm mô hình mẫu cho các gia đình khác học theo.

Bản Tìa Ló nằm gói trọn trong dãy Phù Lùng, từ bản có thể phóng tầm mắt bao quát được toàn cảnh núi đồi và những vạt nương lúa, ngô xanh mướt; cùng với đó là cánh rừng thông thẳng tắp vươn lên trời cao, tạo nên một vẻ đẹp nguyên sơ. Đặc biệt, tại đây có “hồ treo” Noong U nằm ở độ cao trên 1.000m so với mực nước biển, diện tích trên 5ha, nước trong vắt, phẳng lặng, được người dân địa phương ví như “mắt rừng” của vùng rẻo cao Pú Nhi, bởi nó nằm trọn trong vòng ôm của dãy núi Phù Lùng. Hồ nằm cạnh rừng thông hơn 20 năm tuổi, cùng với lợi thế về khí hậu, cảnh quan thiên nhiên, hồ Noong U toát lên vẻ đẹp quyến rũ, vừa hoang sơ, mộc mạc, vừa trữ tình như một bức tranh thủy mặc, tạo điểm nhấn quan trọng về du lịch sinh thái nơi đây. Ngoài ra, vào mùa này, xuất phát từ lòng chảo Mường Thanh (TP Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên) về hồ Noong U, hai tuyến đường dẫn đến điểm du lịch này được phủ màu vàng bởi bạt ngàn hoa dã quỳ bung nở hai bên đường. 

Bản Tìa Ló có 151 hộ dân, 100% là dân tộc Mông, đời sống của bà con vẫn còn nhiều khó khăn. Với chủ trương, định hướng của cấp ủy, chính quyền địa phương, trên hết là sự quyết tâm của người dân bản Tìa Ló, mô hình du lịch cộng đồng này được kỳ vọng sẽ thu hút đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan, nghỉ dưỡng, trải nghiệm.

Bài và ảnh: NHÂM TÚ - HIẾU TRƯỜNG

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Xã hội xem các tin, bài liên quan.