Khi màn đêm buông xuống, trên những con đường quanh co, uốn lượn bên sườn đồi lại xuất hiện ánh sáng từ những chiếc đèn pin-đó là các học viên theo học lớp xóa mù chữ tại bản Mới đang cùng nhau đến lớp. Ông Chìu Phúc Mìn mặc dù đã gần 60 tuổi nhưng vẫn chăm chỉ "đi học con chữ". Có người hỏi: “Ông già rồi còn học để làm gì?”, ông Mìn đáp: “Học chữ để xóa cái khổ. Học không bao giờ là muộn cả”.
Với ông Mìn thì người cao tuổi cũng rất cần biết chữ, bởi "không biết chữ thì rất khổ". Đã vài lần ông Mìn bị bệnh phải vào bệnh viện, bác sĩ đưa cho ông đơn thuốc rồi bảo ông uống thuốc theo hướng dẫn ghi trong đơn nhưng ông phải nhờ người khác đọc cho. Lúc bác sĩ bảo ông ký tên để nhận thuốc, ông đứng tần ngần mãi mới nói rằng mình không biết chữ. Có người thông cảm hỏi họ tên ông, rồi cầm tay hướng dẫn ông viết cái tên, nhưng cũng có người thì nói: “Sao thời buổi này mà vẫn có người không biết chữ?”, rồi hướng dẫn ông lăn tay (điểm chỉ). Không chỉ khổ khi đi khám bệnh, việc không biết chữ còn khiến ông Mìn khổ ngay cả khi đi chơi hay liên hoan, dự tiệc. Có lần ông đi dự đám cưới trên phố huyện, do có hai đám cưới tổ chức cùng một địa điểm, lại không đọc được tên cô dâu, chú rể ở rạp cưới nên ông vào nhầm. Đến khi ăn cỗ, ông hỏi chuyện người cùng bàn ăn thì mới biết mình nhầm. Đến tận bây giờ, cứ mỗi khi nghĩ đến chuyện đó là ông Mìn lại thấy xấu hổ nên càng quyết tâm học chữ...
 |
Ảnh minh họa: TTXVN |
Trong lớp học xóa mù chữ ở bản Mới có người con trai ông Mìn đã 30 tuổi cũng tham gia. Gia đình ông Mìn từ đời cha đến đời con đều là hộ nghèo, một phần do không biết chữ. Ông Mìn tham gia lớp học ngoài mục đích học chữ còn để làm gương, động viên con trai cố gắng nhằm thoát nạn mù chữ. Ông Mìn cho rằng bây giờ cuộc sống đã đổi mới, tiến bộ nhiều rồi, trường học khang trang, đường giao thông cứng hóa đến tận bản nên không có lý do gì để người trẻ tuổi cũng mù chữ. Cùng lớp học với bố con ông Mìn có chị Chìu Thị Múi. Chị Múi đến lớp học xóa mù chữ cũng vì bị nhầm như ông Mìn. Do có họ hàng ở huyện khác nên thi thoảng chị Múi phải đi xe khách đến nhà người thân. Một lần có việc gấp, không chờ được chiếc xe hay đi, chị vội vàng đón một chiếc xe khác mặc dù không đọc được dòng chữ ghi lộ trình trên kính xe. Đến khi trả tiền vé, chị mới biết mình đi sai tuyến. Không những mất tiền, chị Múi còn bị phụ xe mắng: “Chữ to thế mà vẫn nhầm. Lần sau nhìn đúng xe hãy lên!”. Chị trả lời: "Anh thông cảm, tôi đọc nhầm" cho đỡ ngại, nhưng thực ra chị biết lỗi là do bản thân không biết chữ...
Mỗi trường hợp tham gia lớp học xóa mù chữ ở bản Mới đều có một lý do, nhưng tựu trung đều xuất phát từ những bất tiện khi không biết chữ. Và những người như ông Mìn, chị Múi tin rằng, khi biết cái chữ thì cuộc sống của bản thân và gia đình sẽ dần đổi thay.
CÔNG THÀNH
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Xã hội xem các tin, bài liên quan.
Đúng 19 giờ hằng ngày, ở thôn Phi Tô, xã Tân Thanh, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng lại vang lên tiếng kẻng gọi bà con đến lớp học xóa mù chữ.