Đặc biệt, hiện nay, mặc trang phục dân tộc là một phong trào được phổ biến rộng rãi tại các trường học trên địa bàn.
Trên địa bàn xã Thống Nhất có đông người Sán Chỉ sinh sống, đồng bào cư trú chủ yếu ở các thôn: Khau Phầy, Hán Sài, Bản Rọc, Nà Mò, Nà Pán và Pò Mạ. Trang phục truyền thống của người Sán Chỉ khá đơn giản với gam màu chủ đạo là xanh chàm, điểm nhấn là đường viền màu đỏ quanh mép áo. Khi mặc phải kết hợp với vấn tóc, đội khăn đen...
 |
Học sinh các trường trên địa bàn xã Thống Nhất mặc trang phục truyền thống vào thứ 2 và thứ 6 hằng tuần (ảnh chụp khi chưa có dịch Covid-19). Ảnh: HỒNG CHINH. |
Hán Sài là một trong những thôn tiêu biểu vẫn giữ được nghề làm trang phục dân tộc. Bà Hoàng Thị Giáp-một người làm trang phục Sán Chỉ tại thôn Hán Sài, cho biết: “Theo phong tục của người Sán Chỉ, tất cả phụ nữ đều phải biết tự may bộ trang phục truyền thống của dân tộc mình. Các cô gái khi lấy chồng phải mang theo những bộ quần áo thật đẹp, may thật khéo để mang về nhà chồng làm của hồi môn.
Vì vậy, trước đây, ngay từ khi mới 7-8 tuổi, các bé gái đã được các bà, các mẹ cho làm quen với cây kim, sợi chỉ. Vì được làm hoàn toàn bằng thủ công nên để hoàn thành một bộ quần áo phải mất từ 3 đến 5 ngày. Ngày nay, do ảnh hưởng của nhịp sống hiện đại, trang phục truyền thống dần vắng bóng trong đời sống hằng ngày của người Sán Chỉ.
Lớp trẻ thường sử dụng trang phục may sẵn ở chợ, mặc trang phục truyền thống chủ yếu là người già. Số lượng người am hiểu kỹ thuật cắt may trang phục truyền thống cũng ngày càng ít đi. Việc bảo tồn và phát huy giá trị trang phục truyền thống vì thế cũng gặp không ít khó khăn”.
Trước thực trạng trang phục truyền thống của người Sán Chỉ dần bị mai một, thay vào đó là những bộ quần áo may sẵn thông thường, những năm gần đây, chính quyền và các tổ chức đoàn thể xã Thống Nhất đã phát động các phong trào khuyến khích người dân trong xã mặc trang phục truyền thống trong những dịp lễ tết, cưới hỏi.
Đặc biệt, các trường học trên địa bàn xã đã xây dựng và tổ chức nhiều hoạt động giáo dục nhằm khuyến khích học sinh mặc trang phục truyền thống đến trường vào ngày thứ 2 và thứ 6 trong tuần. Để học sinh hiểu rõ hơn về trang phục truyền thống của dân tộc mình, một số trường trên địa bàn xã còn tổ chức cho học sinh đến nhà người cao tuổi để học cắt may trang phục dân tộc...
Cô giáo Tô Thị Thu Hà, Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS xã Thống Nhất cho biết: “Hằng tuần, học sinh trường tôi cũng như các trường khác trên địa bàn xã Thống Nhất đều mặc trang phục dân tộc để đến trường vào một số ngày nhất định. Mặc dù mới được triển khai mấy năm gần đây nhưng hoạt động này được học sinh và giáo viên toàn trường hưởng ứng, nhiệt tình tham gia”.
Trao đổi với chúng tôi, ông La Văn Dương, Chủ tịch UBND xã Thống Nhất chia sẻ: “Xã Thống Nhất có hơn 47km2 diện tích tự nhiên, quy mô dân số gần 6.800 người, phân bố ở 21 thôn. Những năm gần đây, cấp ủy, chính quyền xã tập trung giải quyết hiệu quả nhiều vấn đề phát sinh nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, trong đó chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo triển khai công tác gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào dân thiểu số mà trang phục truyền thống là một trong những vấn đề trọng tâm.
Xác định việc giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống, trong đó có trang phục truyền thống phải bắt đầu từ thế hệ trẻ, chúng tôi đã có nhiều giải pháp phù hợp. Theo đó, tại các trường học, mỗi tuần ít nhất hai buổi các em học sinh sẽ mặc trang phục truyền thống đến trường.
Thời gian tới, chúng tôi sẽ tổ chức nhiều hoạt động cộng đồng có ý nghĩa hơn nữa để khuyến khích người Sán Chỉ mặc trang phục dân tộc khi tham gia các hoạt động chung với mục tiêu góp phần bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc...”.
HỒNG THỊNH TRANG