Còn nhớ vào năm 2018, khi bão lũ quét qua làm xã Nậm Mười và Sùng Đô gần như bị cô lập, chúng tôi cùng đoàn công tác tỉnh Yên Bái phải vạch rừng, leo dốc nhiều giờ đồng hồ mới đến được các khu dân cư để nắm tình hình và động viên, hỗ trợ đồng bào bị thiệt hại... Thế nên, có dịp đến Nậm Mười mới đây, chúng tôi ai cũng vui mừng khi được biết xã đã có con đường bê tông mới. “Từ khi có tuyến đường, đồng bào phấn khởi lắm! Trước đây, quãng đường từ Quốc lộ 32 đến trung tâm xã dài khoảng 20km nhưng phải đi mất hàng tiếng, nay rút ngắn chỉ còn 30 phút”, đồng chí Đặng Phúc Chiêu, Chủ tịch UBND xã Nậm Mười chia sẻ. Nhờ có tuyến đường bê tông, bộ mặt miền quê nơi rẻo cao này đã thay đổi tích cực. Hai bên đường là những ngôi nhà kiên cố; các em học sinh cũng không còn lo quần áo bị bẩn do bùn đất mỗi khi đến trường...

leftcenterrightdel

 Người dân tham gia làm “tuyến đường 0 đồng” lên xã Sùng Đô (Văn Chấn, Yên Bái). Ảnh: VIỆT HÀ 

 

 Tuyến đường mới bắt đầu từ Quốc lộ 32. Năm 2020, đoạn từ xã Sơn Lương về Sùng Đô và Nậm Mười được tỉnh Yên Bái đầu tư theo quy mô đường cấp V miền núi. Bề mặt đường rộng hơn 6,5m cùng hệ thống cống rãnh thoát nước đồng bộ với tổng mức đầu tư 220 tỷ đồng. Do được thực hiện theo phương châm "Nhà nước đầu tư vốn, nhân dân hiến đất, cây cối, di dời nhà cửa", không mất tiền giải phóng mặt bằng nên bà con gọi đây là “tuyến đường 0 đồng”. Đồng chí Trịnh Xuân Thành, Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Văn Chấn cho biết: “Khi triển khai thi công tuyến đường, có gần 380 hộ dân của 3 xã: Sơn Lương, Sùng Đô và Nậm Mười bị thu hồi đất, ảnh hưởng đến cuộc sống. Đây là điều trăn trở của Đảng bộ, chính quyền địa phương. Vì vậy, Huyện ủy, UBND huyện Văn Chấn đã lãnh đạo, chỉ đạo các xã thành lập các tổ công tác xuống từng thôn, bản họp triển khai, tuyên truyền, vận động bà con đồng thuận với chủ trương mở đường, đồng thời có những chủ trương, chính sách phù hợp nhằm hỗ trợ, giúp đỡ người dân...”.

Nhờ sự tuyên truyền, vận động của cấp ủy, chính quyền, đồng bào các xã Sơn Lương, Sùng Đô, Nậm Mười đã hiểu rõ lợi ích khi tuyến đường được mở rộng và cứng hóa, bởi vậy hầu hết đều đồng tình ủng hộ, hiến hơn 20ha đất. Trong đó, người dân xã Sùng Đô hiến hơn 10ha, người dân xã Nậm Mười hiến hơn 8ha và bà con xã Sơn Lương hiến hơn 2ha. Có những gia đình tuy còn khó khăn nhưng vẫn hiến đất, hiến cây, như gia đình bà Bàn Thị Còi ở xã Nậm Mười đã tình nguyện hiến cả quả đồi trồng gần 4.000 cây quế để làm đường... Bên cạnh đó, cấp ủy, chính quyền địa phương còn vận động nhân dân, huy động cán bộ, đảng viên, các tổ chức, đoàn thể giúp đỡ các gia đình thu hoạch hoa màu, san gạt nền nhà, di dời, dựng lại nhà tại nơi ở mới. Địa phương cũng vận động các gia đình không bị ảnh hưởng cùng đóng góp kinh phí, sang nhượng đất đai để hỗ trợ những gia đình hiến nhiều đất, không có đất sản xuất. 

Hy sinh lợi ích cá nhân, gia đình, cùng nhau đoàn kết, chung tay vì cộng đồng, cấp ủy, chính quyền và đồng bào các dân tộc Dao, Mông ở các xã Sơn Lương, Sùng Đô, Nậm Mười đã tạo ra những "mạch máu giao thông" trên rẻo cao, đem đến niềm vui, sự đổi thay cho bản làng. Đồng chí Giàng A Lứ, Phó chủ tịch UBND xã Sùng Đô cho biết: “Năm 2022, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 14,2 triệu đồng. Năm 2023, xã tập trung đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, chú trọng chăn nuôi gia súc, gia cầm, nâng cao diện tích trồng quế và thảo mộc... Sự thuận lợi về giao thông, thông thương hàng hóa là tiền đề để thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở địa phương”. 

Bài và ảnh: VIỆT HÀ