Còn người con gái phải học thêu khăn piêu, dệt vải, cấy, trồng, ngoài ra phải luyện đôi tai tinh tường để nghe được tiếng khèn bè xem đâu là tiếng gọi đi chơi, đâu là lời tỏ tình, lời mời vào vòng xòe vui hội... Trai gái được tự do tìm hiểu. Khi đó, người con trai nhờ mẹ đẻ và một vài người trong họ đến nhà cô gái làm thủ tục gọi là thăm dò (lòng luông) xin cho con trai mình được đi lại...
Sau một thời gian tìm hiểu, nhà trai tổ chức một đoàn với lễ vật gồm gà, lợn, rượu, gạo, do một ông mối dẫn đầu đến nhà cô gái để giao tiếp và ngỏ lời. Gia đình và họ nhà gái nhận lời cho gần gũi, chứ chưa nhận lời cho lấy nhau. Vài tháng sau, nhà trai tiến hành một thủ tục nữa là hỏi ý kiến nhà gái (to pác). Nhà trai sẽ mang lễ vật đến nhà gái làm bữa cơm mời hai họ. Nhà gái công khai hỏi người con trai và con gái về nguyện vọng xây dựng gia đình, nếu đồng thuận, họ nhà gái bàn bạc đi đến nhất trí cho đôi bạn cưới nhau và người con trai ở rể.
 |
Mâm lễ nhà trai dâng cúng tổ tiên nhà gái trong đám cưới của người Thái đen. |
Theo tục ở rể của đồng bào Thái đen, người con trai đến ở nhà cô gái được cùng ăn, cùng làm việc và ngủ một chỗ riêng. Thời gian ở rể phụ thuộc vào từng dòng họ cũng như thỏa thuận của hai gia đình nhà trai và nhà gái. Ông Hà Văn Dũng ở bản Huổi Toi, xã Chiềng Hặc, huyện Yên Châu (Sơn La) cho biết: “Khi đến ở rể, người con trai phải chấp hành mọi quy tắc, luật tục bên nhà vợ. Thực chất đây là dịp để tập làm chủ gia đình, học kinh nghiệm làm nông nghiệp, chăn nuôi, tập chọn cây, lấy cây cột làm nhà, đan lát tre mây”.
Sau một thời gian, nhà trai làm lễ cưới, mang lễ vật đến cúng gia tiên nhà gái. Mâm lễ có thịt lợn luộc, gà luộc, cá nướng, cá chua, trứng gà, hạt giống, trầu cau, chum rượu cần. Nhà trai mời họ nhà gái ăn một bữa cỗ. Toàn bộ thực phẩm làm cỗ cưới tại nhà gái do nhà trai mang đến. Bà Lồ Thị Là ở bản Huổi Toi chia sẻ: “Trong lễ cưới, cô dâu được các bà, các chị trong họ tổ chức nghi lễ tằng cẩu (búi tóc lên đỉnh đầu) là dấu hiệu thể hiện người con gái đã có chồng. Cô gái được mặc áo cóm, cài trâm bạc, đầu chít khăn piêu. Các bà, các chị búi tóc lên đỉnh đầu, dạy bảo nết ăn, nết ở với nhà chồng...”.
Qua nhiều năm nghiên cứu phong tục, nghi thức sinh hoạt của người Thái đen, ông Đào Quang Tố, hội viên Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Sơn La cho biết: “Đồng bào Thái đen ở Sơn La đã có một quá trình xây dựng và hình thành những luật tục riêng trong hôn nhân. Cưới hỏi là một tục lệ truyền thống được đồng bào hết sức coi trọng với nhiều nghi thức độc đáo, mang những nét văn hóa đặc sắc. Ngày nay, bên cạnh việc gương mẫu thực hiện Luật Hôn nhân và gia đình, bà con vẫn gìn giữ những luật tục tốt đẹp trong cưới hỏi”.
Bài và ảnh: NAM NGỌC