Tại tỉnh Quảng Bình, đồng bào dân tộc Bru-Vân Kiều và Chứt sinh sống chủ yếu tại các huyện miền núi như: Minh Hóa, Bố Trạch, Quảng Ninh và Lệ Thủy. Do điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng khắc nghiệt, cộng với thói quen canh tác, sản xuất còn lạc hậu nên tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào DTTS khá cao. Thời gian qua, tỉnh Quảng Bình đã thực hiện tốt các chính sách dân tộc nhằm giúp bà con vươn lên thoát khỏi đói nghèo.

Xã Ngân Thủy là địa phương đặc biệt khó khăn của huyện Lệ Thủy, phần lớn là đồng bào dân tộc Vân Kiều sinh sống. Trước đây, mỗi khi nhắc đến Ngân Thủy, nhiều người thường nghĩ đến đói nghèo và khó khăn, giao thông đi lại vô cùng bất tiện. Vậy nhưng từ khi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030; giai đoạn I từ năm 2021 đến 2025, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, cơ sở hạ tầng của xã Ngân Thủy được đầu tư tương đối đồng bộ từ trung tâm xã đến các bản. Bên cạnh đó, với sự vào cuộc của các cấp, ngành triển khai xây dựng những mô hình sinh kế thiết thực đã giúp đời sống bà con từng bước vươn lên.

leftcenterrightdel

Đại diện Liên đoàn Lao động huyện Lệ Thủy trao lợn giống hỗ trợ đồng bào Vân Kiều ở bản Còi Đá, xã Ngân Thủy. Ảnh: NGỌC HẢI

 

Ngoài việc mở các lớp trang bị kiến thức, kỹ năng về chăn nuôi, sản xuất cho đồng bào, những năm qua, xã Ngân Thủy còn hỗ trợ người dân cây, con giống để phát triển chăn nuôi. Như gia đình ông Hồ Hai trước đây thuộc diện khó khăn ở bản Còi Đá (xã Ngân Thủy), từ khi được Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình và Liên đoàn Lao động huyện Lệ Thủy hỗ trợ một con bò giống, hai con lợn giống, vốn phát triển sản xuất và hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, giúp ngày công làm chuồng trại, đến nay, gia đình ông Hai đã từng bước vươn lên trong cuộc sống.

Không chỉ có gia đình ông Hồ Hai mà ở xã Ngân Thủy còn có rất nhiều hộ dân cũng đã vươn lên thoát nghèo nhờ sự hỗ trợ của các tổ chức chính trị, xã hội. Khác với trước đây, đồng bào sống chủ yếu vào sự hỗ trợ của Nhà nước về lương thực, đến nay, bà con Vân Kiều ở Ngân Thủy đã biết nhận đất trồng rừng, đào ao nuôi cá; chăn nuôi lợn, dê... Cùng với đó, hệ thống điện, đường, trường, trạm được xây dựng khang trang giúp bà con đi lại, sản xuất, kinh doanh thuận tiện hơn.

Tương tự như ở xã Ngân Thủy, đến các địa phương vùng đồng bào DTTS, miền núi khác của tỉnh Quảng Bình, chúng tôi đều chứng kiến sự đổi thay và những việc làm ý nghĩa của các tổ chức chính trị, xã hội đối với bà con. Tại chương trình trao sinh kế hỗ trợ đồng bào Ma Coong ở xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch vừa qua, bà con được Đồn Biên phòng Cồn Roàng (Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình) phối hợp với một số nhà hảo tâm trao tặng 500 con gà giống, hỗ trợ xây dựng 10 mô hình nuôi lợn, 10 mô hình nuôi ong lấy mật và 150 suất quà với tổng trị giá hơn 100 triệu đồng. Nhận sự hỗ trợ của Ban tổ chức, ông Đinh Liên, người dân xã Thượng Trạch xúc động cho biết: “Sự tiếp sức của các ban, ngành, đoàn thể đã giúp đồng bào Ma Coong chúng tôi giảm bớt khó khăn, vươn lên trong cuộc sống. Đặc biệt, từ các mô hình chăn nuôi, trồng trọt do các cấp, ngành hỗ trợ đã giúp cuộc sống người dân không còn phải phụ thuộc vào tự nhiên như trước nữa”.

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết thêm, nhằm giúp đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo, những năm qua, cấp ủy, chính quyền các cấp của tỉnh Quảng Bình đã ban hành nhiều chủ trương, giải pháp lãnh đạo phát huy sức mạnh đại đoàn kết để hỗ trợ đồng bào. Trong đó, việc giúp người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm và hỗ trợ mô hình sinh kế phát triển kinh tế được ưu tiên hàng đầu. Ở các vùng đồng bào DTTS và miền núi đều được hỗ trợ các mô hình như: “Đỡ đầu thôn, bản khó khăn”; “Trao sinh kế giúp đồng bào thoát nghèo”... qua đó giúp số hộ đồng bào DTTS có thu nhập khá trở lên ngày càng tăng. Đến nay, các vùng DTTS toàn tỉnh Quảng Bình đã có hơn 700 hộ làm ăn khá, giỏi; tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào DTTS giảm bình quân mỗi năm 4-5%.

THIÊN THẢO

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Dân tộc tôn giáo xem các tin, bài liên quan.