Sau hơn 3 năm triển khai thực hiện Dự án 8 của Chương trình 1719, huyện Trần Đề đã có nhiều cách làm hay, sáng tạo trong tuyên truyền, vận động người dân thực hiện BĐG, bảo vệ quyền của phụ nữ và trẻ em. Như trong năm 2023, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện đã cấp phát hơn 5.500 tờ rơi, 240 áp phích, 2.500 tài liệu các loại; xây dựng và nhân rộng các mô hình, cách làm hay, các hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế; thành lập 16 tổ truyền thông cộng đồng tại 16 ấp đặc biệt khó khăn, 8 địa chỉ tin cậy, 5 câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi” ở các trường học... Qua đó giúp người dân thay đổi “nếp nghĩ, cách làm”, xây dựng và nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế, bảo vệ tiếng nói và sự tham gia thực chất của phụ nữ, trẻ em trong các hoạt động xã hội...

leftcenterrightdel
Buổi sinh hoạt của Câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại Trường THCS Thạnh Thới An (xã Thạnh Thới An, huyện Trần Đề). 

Tại xã Viên An, các mô hình, hoạt động hướng về phụ nữ, trẻ em luôn được người dân đồng tình ủng hộ; cấp ủy, chính quyền địa phương đánh giá cao. Chị Kim Thị Chanh Thi, Chủ tịch Hội LHPN xã Viên An cho biết: “Triển khai thực hiện Dự án 8, chúng tôi không chỉ vận động người dân đẩy mạnh việc thực hiện BĐG đối với phụ nữ và trẻ em mà còn triển khai các mô hình kinh tế, hỗ trợ chị em vay vốn ưu đãi để phát triển sản xuất, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân”.

Điển hình như chị Thạch Thị Sươl, người dân tộc Khmer, hội viên phụ nữ, ở ấp Bưng Sa, xã Viên An trước đây thuộc diện hộ nghèo ở địa phương. Nhờ sự hỗ trợ của Hội LHPN xã, chị được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển chăn nuôi bò sinh sản, mở cửa hàng tạp hóa để phát triển kinh tế. Đến nay, gia đình chị có thu nhập ổn định, xây lại được ngôi nhà đã xuống cấp nhiều năm, điều kiện sống ngày càng phát triển.

Tại Trường THCS Thạnh Thới An, xã Thạnh Thới An, sau gần 2 năm đi vào hoạt động, câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi” đã thu hút 25 thành viên là các em học sinh 11-15 tuổi tham gia. Câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi” là sân chơi bổ ích nhằm giúp các em học sinh nâng cao kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ bản thân; đồng thời, đây là nơi để các em cùng nhau giao lưu, chia sẻ, nâng cao nhận thức, tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí phù hợp với lứa tuổi. Thầy Trần Hữu Tính, Hiệu trưởng Trường THCS Thạnh Thới An cho biết: “Các thành viên của câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi” chính là những hạt nhân tiên phong làm thay đổi nhận thức, xóa bỏ định kiến giới, xóa bỏ thói quen, tập tục lạc hậu có hại trong đời sống các em học sinh. Qua đó tạo sự thay đổi tích cực về thái độ, nhận thức và hành vi ứng xử trong việc ngăn ngừa và ứng phó với bạo lực, xâm hại trẻ em, các vấn đề về sức khỏe sinh sản...”.

Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Huỳnh Như Ý, Chủ tịch Hội LHPN huyện Trần Đề cho biết: “Để tiếp tục nâng cao hiệu quả Dự án 8, tới đây chúng tôi sẽ phối hợp với các cơ quan, ban, ngành của huyện tổ chức các hội thi, liên hoan chia sẻ những mô hình sáng tạo, hiệu quả góp phần xóa bỏ định kiến giới, bạo lực gia đình và mua bán phụ nữ, trẻ em tại vùng đồng bào DTTS. Đồng thời, đẩy mạnh triển khai các mô hình hỗ trợ thúc đẩy BĐG và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em tại vùng đồng bào DTTS. Chú trọng nâng cao năng lực của cán bộ nữ DTTS và năng lực về BĐG cho cán bộ trong hệ thống trưởng ấp, người có uy tín cộng đồng. Phối hợp với Trung tâm y tế huyện hướng dẫn, giám sát thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ phụ nữ sinh đẻ an toàn...”.

Việc triển khai thực hiện Dự án 8 ở huyện Trần Đề thời gian qua đã đạt những kết quả quan trọng, góp phần thực hiện các mục tiêu về nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ; thúc đẩy BĐG và giải quyết những vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em vùng đồng bào DTTS trên địa bàn.

Bài và ảnh: KHÁNH UYÊN

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Dân tộc, tôn giáo xem các tin, bài liên quan.