Không chỉ giữ vững chủ quyền an ninh biên giới quốc gia, những năm qua, Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Nghệ An còn phát huy hiệu quả hệ thống trạm xá quân dân y kết hợp để chăm sóc sức khỏe (CSSK) cho người dân ở nhiều bản làng biên giới.
Các trạm xá này thực sự trở thành “điểm tựa” trong CSSK, góp phần quan trọng nâng cao nhận thức về công tác phòng, chống dịch bệnh của đồng bào nơi biên giới.
 |
Quân y Đồn Biên phòng Tri Lễ khám bệnh cho người dân tại trạm xá quân dân y kết hợp. |
Nhớ lời dặn của cán bộ quân y, cứ đúng lịch, bà Lầu Y Mại ở bản Mường Lống, xã Tri Lễ, huyện Quế Phong lại đến trạm xá quân dân y kết hợp của Đồn Biên phòng Tri Lễ (BĐBP tỉnh Nghệ An) nằm ở đầu bản để kiểm tra sức khỏe. Từ ngày có bác sĩ tại bản, những người cao tuổi như bà Mại không phải phiền đến con cháu đưa ra tận trung tâm xã để khám bệnh nữa. Không chỉ riêng bà Lầu Y Mại, tất cả người dân trong bản đều được thăm khám, CSSK thường xuyên. Bà Lầu Y Mại cho biết: “Tôi đã nhiều tuổi rồi nên đau ốm thường xuyên. Mỗi lần đến trạm xá quân dân y kết hợp để thăm khám, kiểm tra sức khỏe, tôi rất yên tâm bởi các chú bộ đội khám, kê thuốc đúng bệnh nên mau khỏi”. Theo già làng Xồng Bá Chù, bản Mường Lống có 135 hộ dân, 100% là đồng bào dân tộc Mông, thu nhập của bà con chủ yếu dựa vào nương rẫy. Do bản cách trung tâm xã Tri Lễ khoảng 30km đường rừng nên cuộc sống của người dân còn nhiều khó khăn. Đặc biệt, mỗi khi có người ốm đau cần thăm khám thì việc đi lại rất vất vả. Thấu hiểu những khó khăn của bà con, Đồn Biên phòng Tri Lễ đã thành lập trạm xá quân dân y kết hợp ngay tại đầu bản nhằm CSSK ban đầu cho đồng bào ở bản Mường Lống và các vùng lân cận. Với những trường hợp đau yếu, không thể đi lại, quân y sẽ đến tận nhà khám và cấp thuốc. Tìm hiểu, chúng tôi được biết, để bảo đảm hoạt động hiệu quả của trạm xá quân dân y kết hợp, Đồn Biên phòng Tri Lễ bố trí cán bộ quân y có chuyên môn tốt thường xuyên trực tại trạm để khám, tư vấn sức khỏe cho bà con. Các cán bộ quân y còn là những người am hiểu phong tục tập quán, nói được tiếng của đồng bào nên rất thuận tiện trong việc khám, chữa bệnh cho người dân.
Ngoài trạm xá quân dân y kết hợp ở bản Mường Lống, hiện nay, trên toàn tuyến biên giới, BĐBP tỉnh Nghệ An đang triển khai 6 trạm xá quân dân y kết hợp và 2 tủ thuốc biên cương. Cùng với khám, chữa bệnh, các y, bác sĩ còn là những tuyên truyền viên tích cực, hướng dẫn người dân thực hiện nếp sống mới, cách CSSK, kế hoạch hóa gia đình và đặc biệt là phòng, chống các loại dịch bệnh.
Bài và ảnh: HẢI THƯỢNG
Trong hai ngày 17 và 18-9, chúng tôi theo chân đoàn công tác Bệnh viện Quân y 110 (Cục hậu cần-Quân khu 1) phối hợp với Đội y học dự phòng (Quân khu 1) về xã Phú Đô, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) thực hiện chương trình “Quân dân y kết hợp”, khám chữa bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho nhân dân địa phương.