Đây là trò chơi truyền thống, là nét văn hóa có từ lâu đời của đồng bào Mông nói chung và người Mông ở huyện Quế Phong nói riêng. Theo các già làng kể lại thì văn hóa chọi gà của đồng bào Mông có từ xa xưa và truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Thường vào dịp những ngày Tết đến, xuân về thì ở những bản làng người Mông bắt đầu mở các hội chọi gà. Thú vui chọi gà ở Quế Phong đông vui nhất và có nhiều người tham gia vẫn là ở xã Tri Lễ. Bởi địa phương này có 10 bản người Mông với hơn 3.500 nhân khẩu. Tuy trò chơi hầu hết do đồng bào tự tổ chức vào những dịp lễ, tết... nhưng thực sự là một ngày hội văn hóa của người Mông nơi đây.
 |
Thi chọi gà của đồng bào Mông ở xã Tri Lễ, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An. |
Ngay từ sáng sớm, khi những đám sương trắng còn bao phủ trên những vạt đồi thì bà con ở các bản làng người Mông trong trang phục sặc sỡ đã đổ về sân vận động xã, nơi tổ chức hội chọi gà. Theo đồng bào Mông nơi đây, chọi gà đầu xuân năm mới vừa để giải trí, vừa nuôi dưỡng tinh thần thượng võ trong cộng đồng, đem lại niềm vui, sự phấn khởi, gắn kết cộng đồng. Chọi gà vừa mang tính thi đấu giao hữu, vừa rèn luyện sức chiến đấu cho các “võ sĩ gà” vốn được chăm sóc rất công phu. Những cú đá hay, từng miếng mổ chuẩn xác, hiểm hóc, từng động tác di chuyển và ánh mắt nhìn “đối thủ” của gà đã thu hút sự chú ý của người xem. Nhiều khi, người xem rất hào hứng và nhập cuộc say sưa để cổ vũ cho các chú gà chọi. Phần thưởng lớn nhất dành cho chủ gà chọi thắng cuộc là những bát rượu ngô nếp thơm lừng. Còn chú gà nào thắng cuộc sẽ được thưởng những con châu chấu tươi, mọng hay những hạt lúa tròn mẩy.
Có mặt tham gia hội chọi gà, ông Và Ga Vừ, người dân bản Huội Mới 1, xã Tri Lễ lý giải: “Đối với đồng bào Mông chúng tôi, gà là vật nuôi rất gần gũi với người. Cùng với con bò thì gà là vật nuôi có mặt trong mọi lễ, hội quan trọng, đặc biệt trong các mâm lễ của đồng bào Mông bao giờ cũng có con gà trống được luộc chín để dâng lên thần linh. Do vậy, những chú gà thắng cuộc không bị giết thịt hoặc bán đi mà được các gia đình hết sức yêu thương, coi đó là một sự may mắn sẽ mang đến nhiều tài lộc cho mình trong năm mới”.
Tại các lễ hội trong những ngày xuân của đồng bào Mông không chỉ có chơi chọi gà mà tại trung tâm các bản làng, sườn núi, những chàng trai, cô gái Mông đến từ nhiều nơi còn tổ chức ném còn, thổi khèn tìm người thương... Đây là nét đặc sắc trong văn hóa người Mông ở Quế Phong, có tác động lớn đến cuộc sống tinh thần và cổ vũ cho phong trào chăn nuôi sản xuất giỏi của đồng bào nơi đây.
Bài và ảnh: PHÙNG NGỌC THĂNG