Trong thời kỳ hội nhập, đồng bào Mông Tây Bắc đã và đang gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa của các nhạc cụ truyền thống.
Độc đáo và đa dạng
Nhạc cụ truyền thống của người Mông Tây Bắc bao gồm khèn, kèn, trống, chiêng, sáo, cây gậy tiền (múa sênh tiền), đàn nhị, khèn môi, kèn lá. Các nhạc cụ được chế tác tại chỗ, từ bàn tay khéo léo, sự sáng tạo của chính những người sử dụng.
Mỗi nhạc cụ có một công thức tạo tác và được sử dụng vào mục đích khác nhau. Điểm chung của các nhạc cụ truyền thống ở các bản Mông là sự kết hợp tổng hòa của các nhạc cụ trong các nghi lễ cổ truyền sẽ tạo ra những âm điệu độc đáo, riêng biệt trong văn hóa của đồng bào Mông nơi đây.
Trống của người Mông có 2 loại là trống to và trống nhỏ, được đục từ thân cây gỗ. Trống được sơn màu nâu sẫm, mặt trống được căng bằng da trâu, da bò, tiếng đánh rất vang. Đây là nhạc cụ thường được người Mông sử dụng trong lễ tang ma, lễ cúng, ít sử dụng trong ngày hội vui.
Gậy sênh tiền được làm từ thân cây trúc, hai đầu gậy được buộc một ít sợi chỉ có đủ các màu xanh, đỏ, tím, vàng hoặc sợi vải đỏ để gậy thêm đẹp hơn, giúp quá trình biểu diễn điệu múa mềm mại, uyển chuyển sinh động. Trong các loại nhạc cụ người Mông, gậy sênh tiền được dùng trong cả tang lễ cũng như ngày hội. Trong tang lễ, chiếc gậy sênh tiền được ví như một nhạc cụ xua đi nỗi buồn trong tang gia.
Sáo của người Mông được làm từ cây trúc, thường dùng để tỏ tình. Các chàng trai người Mông từ xưa đến nay thường thổi sáo, dùng tiếng sáo làm tín hiệu, để tỏ tình trong hội xuân hoặc trong cuộc sống thường ngày. Đàn nhị là nhạc cụ ít được sử dụng, chủ yếu dùng trong ngày hội để chàng trai tỏ tình với cô gái.
Kèn của đồng bào Mông có hai loại, một loại nhân tạo gọi là kèn môi, một loại từ tự nhiên gọi là kèn lá. Kèn môi được làm từ lá đồng, khi thổi phát lên âm thanh rất vang và độc đáo. Kèn lá được người Mông làm từ lá cây rừng trong tự nhiên.
Theo đồng bào Mông ở Tây Bắc thì kèn lá thường được sử dụng khi người đi vào rừng sâu, để tránh lạc nhau và quên lối, họ đã dùng kèn lá phát ra tín hiệu. Âm thanh kèn lá rất vang và xa để người ở xa dễ dàng nhận ra. Cũng có lúc, kèn lá được các chàng trai thổi để tỏ tình.
Cây khèn, linh hồn nhạc cụ dân tộc Mông
Cây khèn là nhạc cụ cổ truyền xếp vào hàng đầu trong văn hóa của người Mông, là vật gắn liền với con người, trở thành biểu tượng, linh hồn văn hóa dân tộc Mông. Khèn được chế tác từ thân cây trúc nhỏ, dây rừng và một cái bầu bằng thân gỗ khoét rỗng.
Khèn có mặt trong hầu hết các hình thức sinh hoạt văn hóa của đồng bào Mông ở Tây Bắc và người Mông trong cả nước, trở thành vật linh thiêng, tiếng khèn kết nối giữa trần gian và thế giới tâm linh, là vật trung gian để con người trao đổi tâm tư, tình cảm.
Khèn có mặt trong hội xuân, là vật bất ly thân của các chàng trai người Mông. Khèn hiện hữu trong lễ tang để tấu lên nhạc thiêng đưa tiễn linh hồn người chết. Khèn trong lễ cúng thần linh là vật kết nối giữa hai thế giới thực và tâm linh. Trong đời sống tình cảm, cây khèn và âm thanh du dương từ khèn là công cụ quan trọng để các chàng trai tỏ tình với cô gái.
 |
Học sinh trải nghiệm trình diễn thổi khèn Mông. |
Thầy giáo Lý Chiến Dìn, dân tộc Mông (Lào Cai) chia sẻ:“Nghe tiếng khèn Mông, con người dù ở xa hay gần đều cảm nhận được tình yêu thương, sự đoàn kết và lắng đọng trong tâm hồn mình âm điệu thiêng liêng, ấm áp, thấy được hình bóng quê hương, bản làng và sự đồng vọng của tiếng nói cha ông”.
Gắn với bảo tồn và phát huy giá trị
Các nhạc cụ truyền thống của đồng bào dân tộc Mông ở vùng cao Tây Bắc là sự hội tụ tinh hoa và bản sắc văn hóa cổ truyền vì vậy, việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị của các nhạc cụ luôn được các địa phương tại các tỉnh vùng cao Tây Bắc chú trọng.
Để công tác bảo tồn đạt hiệu quả, các địa phương đã triển khai đồng bộ các giải pháp để mỗi nhạc cụ trong tổng thể kho tàng văn hóa dân gian của địa phương không phải là những vật dụng nằm bất động trong bảo tàng, trong nhà trưng bày hay treo trong nhà mà chúng được sử dụng, diễn xướng trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng, có tác dụng gắn kết tinh thần đoàn kết của đồng bào.
Các địa phương đã chủ động tổ chức các lễ hội trong năm gắn với phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa như lễ hội Gầu Tào, lễ cúng rừng, lễ hội mùa xuân cùng các nghi lễ như cưới hỏi, tang ma… Đây chính là không gian diễn xướng vô cùng sinh động để phát huy hiệu quả của các nhạc cụ.
Trong mỗi lễ hội, các nhạc cụ như khèn, sáo, gậy múa sinh tiền… là những nhạc cụ không thể thiếu, chúng không chỉ là công cụ mà còn là linh hồn của mỗi nghi lễ. Các nghệ nhân dân gian người Mông, các chàng trai, cô gái dân tộc Mông là những người sẽ thực hiện diễn xướng nhạc cụ để cất lên những giai điệu, những âm vang trữ tình, sâu lắng, tạo nên không khí thiêng liêng cho sự kết giao giữa con người với thế giới tâm linh.
Ông Lý Chiến Sách, dân tộc Mông, trưởng bản Tổng Kim (xã Vĩnh Yên, Bảo Yên, Lào Cai) chia sẻ: “Bảo tồn giá trị các nhạc cụ của dân tộc Mông luôn gắn liền với đời sống và những sinh hoạt văn hóa trong cộng đồng dân tộc Mông”.
Tại các vùng đất phát triển du lịch như Sa Pa, Bắc Hà, Y Tý (Lào Cai), Mai Châu (Hòa Bình), Nghĩa Lộ, Mường Lò, Tú Lệ, Mù Cang Chải (Yên Bái)… việc bảo tồn các nhạc cụ còn gắn với giới thiệu, quảng bá nét độc đáo của các nhạc cụ của dân tộc Mông đối với du khách mọi miền.
Thông qua các tiết mục biểu diễn như múa khèn, trình diễn múa sinh tiền, không gian chợ tình, nhà trưng bày, trình diễn các nghi lễ… đã tái hiện và miêu tả sinh động nét sinh hoạt văn hóa của đồng bào dân tộc Mông gắn liền với các nhạc cụ truyền thống.
 |
Thầy và trò Trường THPT số 3 Bảo Yên (Lào Cai) trình diễn múa gậy sênh tiền. |
Công tác bảo tồn và phát huy các nhạc cụ truyền thống dân tộc Mông còn được thực hiện hiệu quả tại các nhà trường ở vùng cao Tây Bắc. Thông qua các mô hình trường học mới như “Trường học gắn với thực tiễn”, “Trường học đa văn hóa”, “Trường học hạnh phúc”, hoạt động giáo dục STEM, trải nghiệm văn hóa truyền thống, các nhà trường đã tổ chức phong phú các hoạt động bảo tồn rất sinh động và thiết thực.
Tại huyện Mù Cang Chải (Yên Bái), Trường PTDT Nội trú đã hướng dẫn học sinh triển khai dự án thi khoa học kỹ thuật với đề tài: “Giữ gìn, quảng bá điệu múa gậy sênh tiền của đồng bào dân tộc Mông trên địa bàn Mù Cang Chải”. Dự án đã góp phần nâng cao ý thức và trách nhiệm của học sinh đối với việc bảo tồn nhạc cụ dân tộc Mông hiện nay.
Nhằm giúp học sinh có những trải nghiệm văn hóa bản địa và chủ động bảo tồn giới thiệu bản sắc văn hóa dân tộc mình, Trường THPT số 3 Bảo Yên (Lào Cai) đã tổ chức hoạt động giáo dục STEM với chủ đề: “Ngày hội văn hóa các dân tộc”. Trong đó, các nhạc cụ của dân tộc Mông được chính các em học sinh người Mông sưu tầm, giới thiệu và trình diễn.
Thầy giáo Bùi Văn Hiến, Bí thư Chi bộ, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Các nhạc cụ dân tộc, trong đó có nhạc cụ của dân tộc Mông được các em học sinh trưng bày và giới thiệu rất sinh động, qua đó, nâng cao ý thức bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống”.
Hệ thống nhạc cụ của đồng bào Mông ở vùng cao Tây Bắc là minh chứng rất chân thực cho đời sống tinh thần, sự sáng tạo của con người nơi đây. Nhạc cụ giữ vai trò quan trọng trong lễ hội, các nghi lễ cổ truyền và đời sống tình cảm, tình yêu, hôn nhân của người Mông.
Đồng thời, các nhạc cụ còn thể hiện sự khỏe khoắn, tinh thần thượng võ của đồng bào dân tộc Mông. Nhạc cụ đã và đang góp phần làm nên bản sắc trong vốn văn hóa vô cùng đa dạng và độc đáo của đồng bào Mông Tây Bắc.
Bài, ảnh: THẾ LƯỢNG