Trò chuyện với chúng tôi, anh No kể, sau khi cưới được 3 năm, anh và vợ vào làm công nhân cho Đội 2, Đoàn KT-QP 79, nhận khoán chăm sóc 12ha cao su kiến thiết cơ bản. Năm 2020, đơn vị đưa diện tích cao su kiến thiết cơ bản vào kinh doanh, vợ chồng anh được giao khoán hơn 7ha để khai thác mủ. Ngoài tiền lương hằng tháng, anh chị được đơn vị hỗ trợ 20 triệu đồng để làm nhà, tặng 1 con bò giống sinh sản. “Đến nay, đàn bò của gia đình mình đã có 5 con và hàng chục con gia cầm, vườn rau xanh cho thu nhập thêm ngoài lương hơn 50 triệu đồng/năm”, anh No vui mừng nói.

Anh Hồ Văn No khai thác mủ cao su. 

Thiếu tá QNCN Phạm Văn Tài, Đội trưởng Đội 2, Đoàn KT-QP 79 cho biết, với đức tính cần cù, chịu thương chịu khó, anh No đã tích cực học hỏi kinh nghiệm của các thế hệ đi trước, thực hiện đúng quy trình chăm sóc vườn cây, tỉ mỉ hoàn thiện từng đường cạo, tiết kiệm từng giọt mủ và nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Những vườn cây do vợ chồng anh đảm nhận luôn xanh tốt, cho năng suất, sản lượng năm sau cao hơn năm trước và vượt kế hoạch hằng năm từ 10 đến 15%, đặc biệt, năm 2022, tiền lương đạt gần 8 triệu đồng/người/tháng.

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, để có trái ngọt ngày hôm nay là cả một quá trình nỗ lực phấn đấu của gia đình anh No và cấp ủy, chỉ huy các cấp trong hỗ trợ công nhân, người lao động. Anh No tâm sự, những ngày đầu vào làm công nhân chăm sóc, khai thác mủ cao su, gia đình anh gặp rất nhiều khó khăn, nhất là khí hậu, thời tiết khắc nghiệt, đường sá đi lại khó khăn; trình độ, kỹ thuật, kinh nghiệm trong lao động sản xuất còn hạn chế; thời gian làm việc, phương thức sản xuất khác hoàn toàn so với khi ở làng, bản... làm anh chị không ít lần nản chí, muốn bỏ cuộc.

Hiểu được tâm lý và những khó khăn của đồng bào dân tộc thiểu số khi mới vào làm công nhân, Đảng ủy, chỉ huy Đoàn KT-QP 79 đã phân công cán bộ thường xuyên bám sát động viên, giúp đỡ, hướng dẫn gia đình anh No trong phát triển kinh tế, tổ chức cuộc sống. Những kỹ thuật về chăm sóc cây cao su, thực hiện đường cạo để có nhiều mủ, chăn nuôi bò, gia cầm đều được cán bộ của Đoàn KT-QP 79 làm mẫu, hướng dẫn cụ thể, tỉ mỉ để vợ chồng anh No học tập, làm theo; hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà ở, tặng bò giống để gia đình anh No “an cư lạc nghiệp”, phát triển sản xuất, chăn nuôi, tăng thu nhập. “Cuộc sống của vợ chồng mình có được như ngày hôm nay là nhờ cả vào Đoàn KT-QP 79. Đơn vị không chỉ giúp vợ chồng mình có công việc ổn định, có của ăn của để mà con cái cũng được học hành, chăm sóc đầy đủ”, anh No tâm sự.   

Bài và ảnh: ĐỖ XUÂN TIẾN