Bên các tháp chuông nhà thờ là những dãy nhà khang trang của bà con, những tuyến đường bê tông rực rỡ sắc hoa... Theo lãnh đạo cấp ủy, chính quyền các địa phương tỉnh Quảng Bình, kết quả đó là do sự nỗ lực của các ban, ngành, đoàn thể và có một phần chung sức, đồng lòng của bà con giáo dân.
Dưới ánh nắng ban mai, thôn Thanh Hải, xã Thanh Trạch, huyện Bố Trạch bừng sáng trong gam màu mới. Thôn Thanh Hải là một trong những khu dân cư đầu tiên ở vùng đồng bào Công giáo đạt các tiêu chuẩn về xây dựng khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu của huyện Bố Trạch. Ông Phạm Đức Huấn, Bí thư Đảng ủy xã Thanh Trạch cho biết: “Thôn Thanh Hải có đến 80% số hộ đồng bào Công giáo. Để xây dựng thành công mô hình khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu, chúng tôi đã phối hợp với chính quyền thôn tập trung tuyên truyền, khơi dậy lòng tự hào, truyền thống yêu quê hương đến cộng đồng thôn, xóm. Nhờ vậy, việc thực hiện chương trình ngay từ đầu đã nhận được sự đồng thuận cao của bà con giáo dân. Bên cạnh đó, chính quyền xã đã tạo điều kiện để lãnh đạo thôn được đi tham quan thực tế ở các địa phương khác nhằm học hỏi kinh nghiệm xây dựng nông thôn mới”.
 |
Một góc làng quê nông thôn mới xã Thanh Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình. |
Với sự chuẩn bị đầy đủ về nhiều mặt, vào cuối năm 2021, sau hai năm triển khai, thôn Thanh Hải đã đạt các tiêu chí về khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu. Nhiều tiêu chí khó đã được chính quyền và nhân dân thôn Thanh Hải đồng sức, đồng lòng thực hiện, được đánh giá đạt và đạt bền vững. Về tiêu chí đường giao thông, 100% tuyến đường giao thông thôn, xóm được bê tông hóa và được trồng hoa, cây xanh dọc các tuyến đường.
Đặc biệt, mặc dù là thôn có đông đồng bào theo nghề đánh bắt thủy, hải sản nhưng về tiêu chí thu nhập, thôn Thanh Hải được đánh giá đạt bền vững. Để có được điều đó, ngoài sự nỗ lực của nhân dân, chính quyền xã, thôn đã chỉ đạo, khuyến khích người dân chuyển đổi tàu cá từ công suất nhỏ đánh bắt gần bờ lên công suất lớn đánh bắt xa bờ; động viên các cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá mở rộng, nâng cấp lên thành các xưởng, công ty tạo việc làm cho hàng trăm lao động tại địa phương. Hiện nay, thu nhập bình quân của thôn Thanh Hải là 65 triệu đồng/người/năm. Tiêu chí hộ nghèo cũng đạt mức bền vững, thôn không có hộ nghèo, chỉ có một hộ cận nghèo theo tiêu chí đa chiều giai đoạn 2022-2025. Các tiêu chí về cơ sở vật chất, văn hóa, giáo dục, y tế, an ninh trật tự, vệ sinh môi trường cũng đạt theo quy định.
Còn ở thôn 3 Phúc Đồng (xã Phúc Trạch, huyện Bố Trạch), từ khi triển khai thực hiện chương trình xây dựng khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu, địa phương ngày càng có nhiều khởi sắc. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân dần được nâng lên. Ông Nguyễn Quang Tiến, Chủ tịch UBND xã Phúc Trạch cho biết: “Thôn 3 Phúc Đồng là một trong những thôn có đông đồng bào Công giáo. Cuối năm 2020, thôn triển khai thực hiện chương trình xây dựng khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu, sau hơn một năm thực hiện, với sự nỗ lực của chính quyền địa phương và sự đồng lòng của bà con giáo dân, thôn đã đạt được một số kết quả tốt”.
Từ khi triển khai thực hiện chương trình đến nay, phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở thôn 3 Phúc Đồng ngày càng phát triển cả về số lượng, chất lượng và đi vào chiều sâu. Theo đó, tư tưởng, đạo đức và lối sống văn hóa lành mạnh của người dân ngày càng được khơi dậy. Ý thức tham gia xây dựng khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu của người dân được nâng lên. 100% những tuyến đường liên thôn, nội thôn đều phân công các chi hội, đoàn thể phụ trách, bảo quản, quét dọn vệ sinh bảo đảm xanh, sạch, đẹp. Đáng chú ý, người dân trong khu dân cư đã tự nguyện đóng góp 24 triệu đồng để xây dựng hệ thống đường điện thắp sáng đường quê với chiều dài 1.000m.
Những năm qua, giáo xứ Thủy Vực thuộc xã miền núi Quảng Hợp, huyện Quảng Trạch được biết đến là điểm sáng trong việc hiến đất xây dựng nông thôn mới. Giáo xứ có 330 hộ dân, với 1.500 giáo dân sinh sống. Bà con giáo dân luôn hòa thuận với mọi người và tích cực hưởng ứng, tham gia các hoạt động trên địa bàn. Hưởng ứng lời kêu gọi của chính quyền địa phương về việc hiến đất xây dựng nông thôn mới, bà con giáo dân thuộc giáo xứ Thủy Vực đều tham gia. Nhiều hộ gia đình còn sẵn sàng hiến đất, phá dỡ tường rào, ki-ốt để các dự án mở rộng đường giao thông thuận tiện cho việc đi lại an toàn. Kết quả trong những năm qua, giáo dân giáo xứ Thủy Vực đã tự nguyện hiến đất làm đường giao thông nông thôn với tổng chiều dài hơn 7km. Từ phong trào tự nguyện hiến đất xây dựng nông thôn mới, giáo xứ Thủy Vực đã có sự đổi mới mạnh mẽ.
Từ sự đồng lòng, chung sức của bà con giáo dân, các địa phương vùng Công giáo của tỉnh Quảng Bình ngày càng khởi sắc. Bà con luôn sống tốt đời, đẹp đạo, tích cực xây dựng quê hương, giáo xứ giàu mạnh.
Bài và ảnh: THIÊN THẢO