Những “học sinh” đặc biệt
Là một trong gần 20 người tham gia lớp xóa mù chữ do Trường Tiểu học số 2 xã Mường Pồn tổ chức tại bản Huổi Chan 1, bà Quàng Thị Thơm (61 tuổi) được mọi người bầu làm lớp trưởng vì là người cao tuổi nhất. Cặm cụi viết từng con chữ, dù còn vụng về và chưa hẳn đúng ô ly nhưng đó là niềm vui lớn sau hơn một tháng chăm chỉ “sách bút tới trường” của người phụ nữ đã có 5 cháu này. Bà Thơm chia sẻ, ngày nhỏ, gia đình khó khăn, lại ở trên vùng biên giới nên không có điều kiện học hành. Sau khi lập gia đình, bà cũng có thời gian đi học xóa mù chữ, tuy nhiên, do ít sử dụng tiếng phổ thông nên những kiến thức đó mai một lúc nào không hay. Không biết chữ đã gây nhiều phiền toái cho bản thân bà, đơn cử như đến cái tên của mình cũng không viết được, hay mỗi lần cần ký thủ tục giấy tờ, bà phải nhờ con cháu dịch cho rồi điểm chỉ. “Ngay khi biết có lớp học xóa mù chữ được tổ chức tại bản, tôi là người đầu tiên đăng ký tham gia. Tôi không muốn “ngón tay đỏ” vì phải điểm chỉ nữa. Giờ đây tôi có thể đọc, viết được rồi”, bà Thơm phấn khởi nói.
 |
Tiết học Tiếng Việt tại lớp học xóa mù chữ ở điểm trường bản Huổi Chan 1, xã Mường Pồn, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên. |
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, hiện nay, tại bản Huổi Chan 1, đồng bào chủ yếu là người dân tộc Thái và Khơ Mú sinh sống. Tỷ lệ người mù chữ của bản còn cao bởi nhiều nguyên nhân, đó là do nhận thức về việc học tập của bà con còn hạn chế, đồng thời một phần là tự ti, an phận vì không biết tiếng phổ thông. Mặt khác, đời sống còn khó khăn nên nhiều người không có điều kiện tham gia các lớp học xóa mù chữ. Trước thực trạng trên, Trường Tiểu học số 2 xã Mường Pồn đã mở lớp xóa mù chữ với mục tiêu giúp bà con làm quen với bảng chữ cái, học ghép từ, biết tính toán, giao tiếp với nhau bằng tiếng phổ thông. Đồng thời, lồng ghép công tác phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các kiến thức, kỹ năng và sáng kiến kinh nghiệm trong hoạt động sản xuất cũng như trong đời sống xã hội.
Cầm chiếc bút chì bằng bàn tay chai sạn vốn chỉ quen với công việc nương rẫy, chị Cà Thị Thiên (42 tuổi) kể rằng, chị đã không giấu nổi xúc động khi lần đầu tiên viết được tên mình và các thành viên trong gia đình cũng như biết làm phép tính cơ bản. “Ban đầu, tôi cũng thấy ngại vì lớn tuổi rồi mới đến trường học như con, cháu mình. Khi biết chữ, được biết thêm nhiều điều mới, tôi rất phấn khởi và chỉ mong được đến lớp”, chị Thiên bộc bạch.
Nỗ lực từ nhiều phía
Thực tế, việc dạy các học viên ở lớp xóa mù chữ đặt ra nhiều thử thách đối với giáo viên, bởi các học viên đều lớn tuổi, tay cứng, chỉ nói được tiếng dân tộc nên việc tiếp thu và thực hành còn chậm. Trao đổi với chúng tôi, cô Lường Thị Hiên, phụ trách lớp học xóa mù chữ ở bản Huổi Chan 1 cho biết: “Để có thể hướng dẫn bà con biết đọc, biết viết, đòi hỏi giáo viên phải thật sự kiên trì, tỉ mỉ, vừa dạy vừa động viên để bà con không nản lòng. Nhiều lúc, giáo viên còn phải sử dụng tiếng dân tộc để giảng giải những cụm từ mà học viên khó hiểu. Theo thời khóa biểu, lớp học bắt đầu từ 11 đến 13 giờ 55 phút, nhưng thực tế không khi nào kết thúc đúng giờ, bởi nhiều học viên còn tranh thủ ở lại để cố gắng viết xong bài. Chính sự hào hứng, phấn khởi của các học viên đã tiếp thêm động lực cho giáo viên và nhà trường thực hiện tốt công tác giảng dạy, duy trì lớp”.
Qua ghi nhận của chúng tôi tại điểm trường bản Huổi Chan 1, các học viên tham gia lớp học xóa mù chữ rất nhiệt tình. Danh sách lớp chính thức chỉ có gần 20 người, tuy nhiên, nhiều buổi có đến 30 người đến học. Để có được sự tham gia đông đảo, chuyên cần của bà con, khi được giao nhiệm vụ tổ chức lớp, các thầy cô Trường Tiểu học số 2 xã Mường Pồn đã chủ động cùng cán bộ xã, bản, phát huy vai trò của già làng, trưởng bản, dòng họ đến từng nhà tuyên truyền, vận động. “Chúng tôi tập trung vào sự cần thiết của việc biết chữ trong cuộc sống thường nhật để tuyên truyền cho bà con. Khi hiểu được việc học chữ là cần thiết và hiểu tấm lòng các thầy cô, bà con đã đăng ký và tranh thủ thời gian để đi học đúng giờ, đầy đủ”, cô Mạc Thị Sâm, Hiệu trưởng Trường Tiểu học số 2 xã Mường Pồn cho biết.
Hiện trên địa bàn tỉnh Điện Biên, số người trong độ tuổi từ 15 đến 60 đạt chuẩn biết chữ mức độ 1 là 96,88% và mức độ 2 là 88,39%. Xác định phổ cập giáo dục là chủ trương lớn, hướng tới mục tiêu “Nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài”, trong những năm qua, các cấp chính quyền tỉnh đẩy mạnh công tác xóa mù chữ, qua đó góp phần nâng cao tỷ lệ người biết chữ một cách rõ rệt. Theo đồng chí Nguyễn Văn Đoạt, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Điện Biên, năm 2022, các cơ sở giáo dục địa phương đã tổ chức 28 lớp xóa mù chữ với gần 620 học viên. Năm nay, ngoài tiếp tục duy trì và hoàn thành chương trình xóa mù chữ của các lớp đã mở, toàn tỉnh mở thêm 54 lớp với quy mô hơn 1.200 người, trong đó chủ yếu dành cho đồng bào các dân tộc thiểu số ở các xã vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn.
Bài và ảnh: HIẾU TRƯỜNG
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Xã hội xem các tin, bài liên quan.