Theo lời anh Đồng Văn Lanh kể lại, năm 16 tuổi, trong một phiên chợ tình anh đã “bắt” được vợ. Khi ấy, Ma Ly Pho là xã biên giới đặc biệt khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn rất cao. Anh Lanh sống trên vách núi, không biết chữ. Vợ anh Lanh lại lười làm, chỉ thích theo chúng bạn đi chơi. Thế rồi, một ngày thấy vợ đi chơi không về nhà, anh Lanh xuống núi tìm thì được biết vợ chê anh nghèo nên đã theo đám bạn đi làm du lịch. Buồn chán, cả ngày anh chỉ biết đắm chìm trong men rượu. Buổi chiều nọ, có nhóm người từ dưới xuôi lên ngó ngang ngó dọc quanh nhà anh và gạ anh bán đất. Sẵn men say trong người, lại nghĩ khoảnh đất nhỏ ấy có đáng gì so với quả đồi của mình, anh Lanh liền đồng ý ngay. Ngày hôm sau, nhóm người quay lại, cầm hợp đồng cho anh điểm chỉ. Vì không biết chữ và cả tin nên anh đã làm theo. Mấy ngày sau thấy có một tốp người lạ đến, đem theo cả phương tiện, máy móc để chặt phá cây, san gạt quả đồi, lúc này anh Lanh mới biết mình bị lừa. Nhóm người đã lấy cả quả đồi chứ không phải một phần diện tích nhỏ như họ nói...

Chiến sĩ biên phòng dạy chữ cho con em đồng bào vùng biên. Ảnh: Báo Tin tức

Ngồi tựa vào gốc cây, nhớ lại đã nhiều lần được các anh bộ đội đến nhà vận động đi học con chữ, nhưng anh Lanh không đồng ý vì cho rằng "học chữ có no được cái bụng đâu", anh thấy xấu hổ lắm. Biết mình chỉ vì không đọc được chữ nên mất hết tài sản, anh Lanh mạnh dạn xin cán bộ theo học "xóa mù". Ban ngày anh đi làm nương, tối về lại chăm chỉ học. Nhờ tính kiên trì, quyết tâm và sự chỉ bảo tận tình của bộ đội nên chẳng mấy chốc, anh Lanh đã đọc thông, viết thạo. Được sự giúp đỡ của bà con, anh dành dụm được ít tiền và cất căn nhà ở cuối bản làm chỗ nương thân.

Vài năm sau, kinh tế từng bước ổn định, anh Lanh dành một gian trong căn nhà của mình để làm điểm dạy chữ miễn phí cho bà con nơi đây. Thấy anh đọc được chữ, học tập được mô hình sản xuất tiên tiến, bà con trong bản cũng tò mò học theo. Phần lớn người tham gia lớp xóa mù chữ đều là nông dân, quanh năm vất vả với công việc đồng áng, mùa vụ, khi tham gia các lớp học xóa mù chữ càng khó khăn, vất vả hơn. Để thu hút mọi người đến lớp và tạo điều kiện cho bà con tiếp thu bài học tốt, ngoài sự giúp đỡ của bộ đội, anh Lanh cũng tham gia "trợ giảng", anh thường sử dụng tiếng đồng bào kết hợp tiếng phổ thông để đặt những câu hỏi gần gũi, giúp bà con dễ hiểu, dễ nhớ. Nhờ biết con chữ, nhận thức của người dân từng bước được nâng cao, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước được truyền tải đến bà con một cách đầy đủ và chính xác, giúp đồng bào tự tin hơn trong cuộc sống, không bị kẻ xấu lợi dụng, từng bước biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, phát triển kinh tế hộ gia đình.

Chia tay chúng tôi, anh Lanh bộc bạch: “Nếu không có nhận thức đúng đắn, có lẽ giờ đây cuộc sống của tôi vẫn tối tăm, bế tắc, không thoát khỏi sự nghèo nàn, thất học. Con chữ giúp mỗi người thêm hiểu biết, tôi muốn gieo con chữ khắp bản để người dân tiếp thu được những kiến thức, thông tin, giúp phát triển kinh tế, có cơ hội thoát nghèo...”.

 THU NGA

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Bạn đọc xem các tin, bài liên quan.