Bánh khẩu sli là một loại bánh truyền thống, dân dã mà ai cũng có thể mua về làm quà, mời khách khi đến nhà. Khẩu sli theo tiếng địa phương có nghĩa là bánh gạo nếp nổ hay còn gọi là bánh bỏng có chứa lạc. Bánh khẩu sli được chế biến theo công thức cổ truyền, từ các nguyên liệu sẵn có của địa phương như gạo nếp, lạc, đường mật và được sản xuất theo phương pháp thủ công gia truyền với các công đoạn khác nhau, như: Đồ xôi nếp, giã, trộn đường phên, rải lạc...

Việc chọn nguyên liệu để làm nên những chiếc bánh khẩu sli cũng rất cầu kỳ. Gạo nếp để làm khẩu sli phải là gạo trồng vào vụ mùa, thường được gặt tầm tháng 9 âm lịch, hạt gạo mẩy đều. Đường để làm bánh là đường phên được ép từ mía vàng của người dân địa phương bằng phương pháp truyền thống, có màu vàng sậm, ngọt đượm và thơm mùi mía.

Bánh khẩu sli trông rất hấp dẫn, những hạt nếp phồng quyện với đường vàng ươm, óng ánh, thêm lớp lạc phủ trên mặt bánh một màu nâu đỏ, bóng mượt. Bánh ăn giòn tan, lại có vị ngọt của đường phên, vị thơm của bỏng gạo và vị bùi của lạc, nhâm nhi miếng bánh cùng với chén trà xanh rất hợp trong những ngày đông lạnh giá. 

Thi làm bánh khẩu sli tại Lễ hội về nguồn Pác Bó, năm 2019. Ảnh: VƯƠNG THẢO. 

Ngày nay, đời sống phát triển, các loại bánh truyền thống ít dần, nhiều món ăn đặc sản của các vùng miền đã không còn giữ được. Tuy nhiên, nghề làm bánh khẩu sli vẫn được đồng bào nơi đây duy trì, ngày càng mở rộng hơn ở nhiều địa phương của Cao Bằng.

Đặc biệt, từ khi Hợp tác xã Khẩu sli thương mại dịch vụ Nà Giàng, xã Phù Ngọc, huyện Hà Quảng được thành lập đã đưa thương hiệu "Khẩu sli Nà Giàng" vươn xa ra các tỉnh, thành phố trong cả nước. Hiện nay, tại khu vực Nà Giàng đã có 59 hộ dân cùng sử dụng nhãn hiệu “Khẩu sli Nà Giàng”.

Sinh ra trong một gia đình đã nhiều đời làm bánh khẩu sli, anh Bế Đức Tài, ở xã Phù Ngọc cho biết: “Trước đây, bánh khẩu sli được sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, thị trường tiêu thụ chỉ giới hạn trong các huyện trên địa bàn tỉnh. Sau khi được cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu, sản phẩm "Khẩu sli Nà Giàng" được đóng gói cẩn thận và có nhãn mác, bao bì ghi các thông tin. Nhờ vậy, sản phẩm được đông đảo người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh biết đến, lựa chọn và tin dùng. Điều này đã khiến thu nhập của chúng tôi được cải thiện rõ rệt”.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nông Văn Dẫn, Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện Hà Quảng cho biết: “Để bánh khẩu sli trở thành sản phẩm có giá trị hàng hóa cao của quê hương Cao Bằng, từ năm 2006, UBND huyện Hà Quảng đã có chủ trương đầu tư để xây dựng nhãn hiệu cho sản phẩm bánh khẩu sli và thống nhất đặt tên cho sản phẩm là “Khẩu sli Nà Giàng”.

Năm 2020, "Khẩu sli Nà Giàng" đã được chứng nhận sản phẩm OCOP tiêu chuẩn 3 sao, góp phần nâng tầm thương hiệu sản phẩm trên thị trường. Hiện nay, bánh đã được nhiều người biết đến nhưng vẫn còn những khó khăn cần tháo gỡ như vốn, sự đồng thuận trong sản xuất... Để hướng tới sản xuất, chế biến trở thành hàng hóa, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị cho các hộ thành viên, trong thời gian tới, Hợp tác xã Khẩu sli thương mại và dịch vụ Nà Giàng sẽ phát huy nội lực, khai thác tốt tiềm năng thế mạnh của địa phương”.

NGUYỄN HUYỀN