Dê chết, hoa thiên lý khó bán
Tại huyện miền núi Lang Chánh, theo Chương trình 30a và 135 của Chính phủ, vào năm 2018, 38 gia đình nghèo được hỗ trợ 108 con dê giống, nhưng chỉ sau một năm, qua khảo sát cho thấy 42 con dê đã chết. Nguyên nhân được xác định là do nhận thức và kỹ thuật chăm sóc của người dân còn hạn chế, thậm chí có tư tưởng ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, coi như đó là "của được" nên việc đầu tư chăm sóc không tốt.
Cũng tại huyện Lang Chánh, năm 2017, 10 hộ nghèo tại thôn Chiềng Khạt, xã Đồng Lương được hỗ trợ giống và phân bón với tổng kinh phí ban đầu 64 triệu đồng để trồng hoa thiên lý với diện tích 1 sào/hộ nhằm xóa nghèo. Theo các hộ dân, cứ sau một tuần thu hái, giàn thiên lý lại cho thu hoạch lứa mới, mỗi ngày trung bình hái được 3 đến 4kg hoa. Người trồng đem bán tại chợ nhưng không nhiều người mua, mỗi khách mua chỉ một vài lạng. Năng suất vẫn đạt nhưng khó bán sản phẩm nên chưa đầy một năm, các hộ dân đã phải phá bỏ.
Theo ông Lê Xuân Miệt, Phó chủ tịch UBND xã Đồng Lương, mô hình hỗ trợ trồng hoa thiên lý xóa nghèo ở thôn Chiềng Khạt thất bại là do không có đầu ra bền vững. Những hộ dân được lựa chọn triển khai mô hình là những hộ nghèo, không có năng lực phát triển thị trường. Cũng vì năng lực của những hộ dân chưa tốt nên mô hình nuôi lươn không bùn ở thôn Xuốm Chỏng của xã được triển khai năm 2016 cho 10 hộ, nay chỉ còn một hộ duy trì nhưng hiệu quả cũng không cao. Nguyên nhân được xác định là do kỹ thuật chăm sóc chưa phù hợp nên lươn thường bị bệnh và chết.
    |
 |
Quang cảnh ruộng bậc thang tại huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa. Ảnh minh họa: TTXVN |
Còn tại huyện Bá Thước, bên cạnh những mô hình hiệu quả như trồng quýt hoi gắn với chế biến hay nuôi vịt Cổ Lũng, nuôi bò sinh sản, cũng có không ít mô hình thất bại. Thống kê từ Phòng Dân tộc, UBND huyện Bá Thước, riêng giai đoạn 2018-2020 có 1.667 lượt hộ dân trên địa bàn được hỗ trợ tham gia các mô hình phát triển sản xuất với tổng vốn đầu tư hơn 12 tỷ đồng (gồm cả phần đối ứng của các địa phương và hộ dân), chủ yếu là hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi. Ông Nguyễn Đức Lục, Chủ tịch UBND xã Ái Thượng (huyện Bá Thước) khẳng định: “Xã được hỗ trợ khá nhiều mô hình từ các chương trình, dự án như: 135, 30a, xây dựng nông thôn mới..., nhưng nhiều mô hình hiệu quả không cao. Riêng với các mô hình hỗ trợ chăn nuôi bò, lợn, trâu, đến nay chỉ còn khoảng 50% mô hình còn duy trì...”.
Trên đây là hai trong số 11 huyện miền núi của Thanh Hóa được hỗ trợ các mô hình cây trồng, vật nuôi, dược liệu, sản phẩm lợi thế mà không đạt được mục tiêu đề ra. Giai đoạn 2016-2020, tại 11 huyện miền núi của tỉnh Thanh Hóa đã xây dựng được 206 mô hình, gồm 86 mô hình cây trồng, 82 mô hình vật nuôi, 16 mô hình phát triển dược liệu và 22 mô hình sản phẩm lợi thế, với tổng kinh phí Nhà nước hỗ trợ đầu tư gần 130 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến nay chỉ có 49 mô hình cho thu nhập, chiếm 24% mô hình được xây dựng, còn lại phần lớn các mô hình đã bị “khai tử” hoặc tồn tại lay lắt, chưa đạt được mục tiêu đề ra. Thất bại của các mô hình trên được cấp ủy, chính quyền địa phương xác định nguyên nhân chính là do các mô hình phần lớn có quy mô nhỏ, phân tán, sản phẩm phục vụ tự cung tự cấp tại địa phương, chưa có sự liên kết chuỗi giá trị và chưa có nhiều sản phẩm bán ra thị trường, chưa thực sự phát huy được sản phẩm lợi thế của các huyện miền núi...
Cần tuyên truyền sâu, tư vấn tốt, rõ thị trường tiêu thụ
Giai đoạn 2022-2025, tỉnh Thanh Hóa tiếp tục phê duyệt Đề án “Phát triển các mô hình cây trồng, vật nuôi, dược liệu, sản phẩm có lợi thế khu vực miền núi tỉnh Thanh Hóa” với tổng nhu cầu vốn thực hiện đề án hơn 230 tỷ đồng, trong đó gồm nguồn vốn ngân sách Trung ương, vốn ngân sách địa phương, vốn vay tín dụng chính sách.
Dự kiến, đề án thực hiện thành công sẽ tạo sinh kế với giá trị hàng hóa giai đoạn 2022-2025 gần 500 tỷ đồng, góp phần tăng nguồn thu ngân sách của địa phương thông qua thuế; xây dựng thương hiệu và công nhận từ 11 sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) trở lên... Từ đó, khai thác tiềm năng, lợi thế của khu vực miền núi, tạo ra các sản phẩm nông nghiệp đặc sản phục vụ du lịch; giải quyết việc làm cho nông dân (khoảng 3.500 người), tăng thu nhập, đẩy mạnh công tác xóa đói, giảm nghèo trên địa bàn và phát triển dược liệu, nguồn nông sản sạch giúp tăng cường sức khỏe cộng đồng.
Để thực hiện thành công đề án, tỉnh Thanh Hóa cần có giải pháp căn cơ và đồng bộ, khắc phục triệt để những hạn chế, tồn tại xảy ra trong giai đoạn 2016-2020. Theo đồng chí Nguyễn Văn Bình, Chủ tịch UBND huyện Mường Lát: Ngoài việc hỗ trợ vốn, giống, vật tư của các cơ quan chức năng, cần phải tăng cường công tác tập huấn, chuyển giao khoa học-công nghệ, tập huấn sâu, kỹ từng mô hình đối với bà con, đồng thời phải tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân, nâng cao ý thức trách nhiệm khi được hỗ trợ con giống, vật nuôi, triệt tiêu tư tưởng ỷ lại, nêu cao ý thức vươn lên thoát nghèo bền vững cho bà con...
Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Lê Đức Giang, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết: “Một trong những giải pháp căn cơ là công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của từng hộ dân khi được hỗ trợ cây trồng, vật nuôi, đồng thời chú trọng các giải pháp về chế biến và thị trường tiêu thụ sản phẩm như: Xây dựng một số cơ sở sơ chế, chế biến tại chỗ, xây dựng thương hiệu, xuất xứ hàng hóa, sở hữu trí tuệ và chính sách bảo hộ sở hữu thương hiệu; xây dựng hệ thống thông tin truy xuất nguồn gốc, giới thiệu, quảng bá sản phẩm; đăng ký sản phẩm OCOP...”.
Là người dân được thụ hưởng các ưu đãi từ đề án của tỉnh thời gian qua, bà Nguyễn Thị Hiền, ở thôn Bái Tôm, xã Điền Quang, huyện Bá Thước, mong muốn: “Các cơ quan chức năng của tỉnh và huyện cần quan tâm đầu tư hơn nữa về công tác chuyển giao khoa học-công nghệ, nhất là phục tráng, sản xuất giống cung cấp nguồn gen bản địa tại chỗ, áp dụng quy trình kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, đồng thời tìm kiếm thị trường đầu ra cho sản phẩm của người dân. Có như vậy các đề án mới trở nên thiết thực, phát huy hiệu quả”.
HOÀNG KHÁNH TRÌNH