Cảm nhận đầu tiên của chúng tôi khi đến huyện Mường Lát trong những ngày cuối tháng Tám là trên các tuyến đường ngập tràn sắc đỏ của cờ Đảng, cờ Tổ quốc; trong các gia đình đều chuẩn bị những sản vật để làm mâm cơm dâng lên bàn thờ Bác Hồ và cúng gia tiên. Các mẹ, các chị và thanh niên trai tráng chuẩn bị những bộ quần áo đẹp nhất để đón Tết Độc lập. Từ các bản làng xa xôi của Trung Lý, Mường Lý, Pù Nhi, Tam Chung... huyện Mường Lát, những chàng trai, cô gái vượt hàng chục ki-lô-mét đường rừng xuống trung tâm huyện để mua sắm cho mình những bộ quần áo, vật dụng chuẩn bị đón Tết Độc lập. Nhiều phụ nữ gùi trên lưng những đặc sản của bản làng xuống chợ bán và khi về, họ mua những đồ dùng thiết yếu hằng ngày như: Bánh kẹo, mắm muối, cá, tôm... của người miền xuôi.
 |
Đồng bào dân tộc Mông ở huyện Mường Lát tổ chức các trò chơi dân gian dịp Tết Độc lập năm 2020. |
Gặp chúng tôi tại phiên chợ thị trấn Mường Lát, chị Thào A Kiến ở xã Mường Lý cho biết: “Ngày 2-9 là dịp lễ lớn trong năm của dân tộc mình. Nhà mình cách trung tâm huyện hơn 20km, đường sá đi lại khó khăn, vất vả nhưng năm nào cũng thế, cứ đến dịp Tết Độc lập là mình lại xuống chợ để sắm cho mọi người trong gia đình những bộ quần áo đẹp. Nhất là năm nay, với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, đặc biệt là được bộ đội Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 4 (Quân khu 4) hỗ trợ con bò, con lợn... nên đồng bào mình không còn đói khổ như trước nữa. Vì vậy, gia đình nào cũng làm mâm cơm để cúng Bác Hồ và tổ tiên”.
Đến các bản làng người Mông, chúng tôi chứng kiến niềm vui trước sự đổi thay của bà con nơi đây. Ở các bản làng, ngay từ nhiều tháng trước, bà con đã tu sửa đường giao thông để chuẩn bị đón Tết. Ông Thao Già Pó ở bản Cặt, xã Nhi Sơn, cho biết: “Tết Độc lập năm nay có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với bà con người Mông chúng tôi, bởi đây là cái Tết có nhiều sự đổi thay của bản làng. Sau trận lũ tháng 7-2021, nhiều tuyến đường, công trình bị lũ cuốn trôi, nhưng với sự giúp đỡ của các ban, ngành, đoàn thể, Bộ đội Biên phòng, đến nay bản làng như khoác tấm áo mới. Năm nay do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nghe theo lời cán bộ và Bộ đội Biên phòng nên bà con dân bản mình không tổ chức tập trung ăn Tết như những năm trước nhưng nhà nào cũng chuẩn bị mâm cơm để cúng Bác Hồ và tổ tiên”.
Với đồng bào Mông xứ Thanh, trong một năm có hai tết lớn là Tết Nguyên đán và Tết Độc lập, nhưng với họ, Tết Độc lập 2-9 là cái tết to hơn cả. Vì theo lý giải mộc mạc của người dân nơi đây, Tết Độc lập là dịp bà con người Mông cảm ơn Đảng, Nhà nước và tưởng nhớ đến Bác Hồ kính yêu đã giúp người dân cả nước và người Mông nói riêng có được độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc.
Theo anh Lò Văn Đồng, Trưởng ban Dân tộc huyện Mường Lát, Tết Độc lập đối với bà con các dân tộc nơi đây có rất nhiều ý nghĩa, được bà con trân trọng, hào hứng vì nó gắn liền với lịch sử đấu tranh và cuộc sống của đồng bào qua nhiều thập kỷ. Bởi trước đây, người Mông chỉ sống trên những ngọn núi cao hoặc trong rừng sâu, cứ men theo các con suối lên những ngọn đồi cao để lập bản, lập làng. Người Mông không giao lưu với các dân tộc khác mà sống biệt lập. Họ bị trói buộc bởi quan niệm đó hàng trăm năm, từ đời này sang đời khác. Từ ngày Bác Hồ đọc "Tuyên ngôn Độc lập", người Mông mới thay đổi nhận thức, họ đã xuống núi giao lưu với các dân tộc khác. Đó được xem như một cuộc cách mạng giải phóng về tư tưởng và ý thức hệ trong đồng bào dân tộc Mông.
Được biết, những năm trước, để có sân chơi cho đồng bào vui đón Ngày Quốc khánh, hằng năm, huyện Mường Lát thường tổ chức nhiều hoạt động vui chơi, giải trí như: Đẩy gậy, ném còn, kéo co, đánh bóng chuyền... Ngoài ra, để cuộc vui thêm phần thú vị, ban tổ chức còn tổ chức thi nấu thắng cố để phục vụ đồng bào. Nhưng năm nay do diễn biến dịch Covid-19 phức tạp nên các hoạt động vui chơi cộng đồng không tổ chức, song bà con vẫn tự tổ chức đón mừng Tết Độc lập theo cách riêng, bảo đảm phòng dịch mà vẫn trọn ý nghĩa.
Bài và ảnh: VI HOA