Tại xã Định An, nhiều tuyến đường thông thoáng, những cây cầu giao thông hoàn chỉnh đã tạo nên diện mạo khang trang hơn cho xã nông thôn mới này. Đây là kết quả ghi nhận sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị cũng như sự chung tay, đồng lòng của nhân dân, trong đó có sự đóng góp không nhỏ từ công sức và tấm lòng từ thiện của những người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số.
Ông Danh Liễu, người có uy tín ở ấp An Hòa, xã Định An, nguyên là Bí thư Đảng ủy xã Định An, nguyên Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Gò Quao. Hơn 10 năm qua, ông Liễu luôn nêu cao tinh thần gương mẫu, tích cực phối hợp với các nhà chùa tuyên truyền, vận động phật tử chung tay góp sức xây dựng cầu, đường nông thôn. Cùng với đó, bằng uy tín của mình, ông Danh Liễu đã vận động bà con nhân dân hiến đất, đóng góp tiền của, ngày công lao động làm hàng nghìn mét đường giao thông, sửa chữa 6 cây cầu, giúp 4 gia đình có hoàn cảnh khó khăn ở xã Định An làm nhà mới. Ông Danh Liễu cho biết: “Để người dân tin, nghe theo mình thì trước tiên bản thân và gia đình mình phải sống gương mẫu. Khi đã được người dân tin tưởng rồi thì mọi việc tuyên truyền, vận động người dân hiến đất làm đường, làm cầu... sẽ dễ dàng hơn, việc dù lớn đến đâu cũng sẽ được người dân đồng tình, ủng hộ”.
 |
Ông Danh Liễu (bên trái), người có uy tín ở ấp An Hòa, xã Định An (Gò Quao) trao đổi công việc với cán bộ xã Định An.
|
Cũng ở xã Định An, ông Danh Hùng từ nhỏ đã gắn bó với vùng quê nghèo thuộc ấp An Hưng, hằng ngày chứng kiến người dân phải đi qua những cây cầu khỉ trơn trượt. Vươn lên trong cuộc sống, trở thành người có uy tín, ông Danh Hùng luôn trăn trở làm thế nào để xây những cây cầu kiên cố giúp người dân đi lại dễ dàng hơn. Từ suy nghĩ đó, trong những năm qua, ông Hùng đã gắn bó với công việc xây cầu từ thiện, giúp nối nhịp bờ vui giữa các xóm, ấp trong xã. Tính đến nay, từ nguồn đóng góp của gia đình và các nhà hảo tâm, ông Danh Hùng đã phối hợp cùng chính quyền địa phương xây mới hàng chục cây cầu nông thôn trên địa bàn xã Định An. Ông Danh Hùng chia sẻ: “Từ khi xã triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới, tôi thấy đây là chủ trương đúng đắn nhằm giúp người dân phát triển kinh tế. Vì vậy, tôi càng quyết tâm hơn trong công tác vận động các nhà hảo tâm đóng góp kinh phí để xây cầu, làm đường nông thôn, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương ngày càng đi lên”.
Ở một địa bàn khác của huyện Gò Quao, xã Thới Quản có hơn 48% người dân là đồng bào Khmer sinh sống. Những năm qua, đội ngũ người có uy tín ở Thới Quản đã cùng cấp ủy, chính quyền xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. Điển hình như ông Danh Hiền, ở ấp Xuân Đông, đã tích cực ủng hộ và vận động người dân trong ấp tự nguyện đóng góp kinh phí để xây cầu, làm đường giúp người dân đi lại dễ dàng, sản xuất nông nghiệp thuận lợi hơn. Từ năm 2010 đến nay, ông Danh Hiền xin phép chính quyền địa phương triển khai xây dựng hơn 10 cây cầu bắc qua kênh thủy lợi, làm 2 tuyến đường nội đồng có chiều dài 1.000m với kinh phí hơn 500 triệu đồng; trong đó gia đình ông tự nguyện đóng góp hơn 400 triệu đồng bao gồm chi phí mua vật liệu xây dựng, thuê nhân công; người dân trong ấp đóng góp khoảng 100 triệu đồng và ngày công xây dựng. Ông Danh Hiền chia sẻ: “Xây dựng nông thôn mới thì nhân dân chính là người được thụ hưởng nên mình phải chung tay góp sức cùng Nhà nước. Làm được con đường, cây cầu cũng là để người dân đi lại, vận chuyển hàng hóa dễ dàng hơn, từ đó tạo điều kiện để phát triển kinh tế gia đình”.
Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Phạm Thị Hòa, Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Gò Quao cho biết: “Nhận thức rõ vai trò, vị trí của mình, trong những năm qua, người có uy tín ở địa phương đã tích cực vận động gia đình và cộng đồng thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các quy định của chính quyền; tích cực tham gia phát triển sản xuất, kinh doanh, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới... Từ đó góp phần thực hiện tốt phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”.
Bài và ảnh: LAN ANH
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Dân tộc, tôn giáo xem các tin, bài liên quan