Lễ hội thường bắt đầu từ sáng sớm, khi đó già trẻ, trai gái sẽ có mặt đầy đủ tại khu rừng thiêng của bản. Hòa cùng tiếng trống, chiêng rộn rã, dân bản nhóm lửa, đồ xôi, mổ lợn, gà, làm cỗ để thầy mo làm lễ cúng. Chị Quàng Thị Nhất, Trưởng bản Khá cho biết: “Chúng tôi tổ chức lễ hội để cầu xin trời đất phù hộ cho mưa thuận gió hòa, mùa màng xanh tốt, cầu chúc cho tất cả bà con trong bản Khá đều khỏe mạnh, bình yên”.
 |
Người dân và du khách tham gia nhảy sạp tại lễ hội Đông Sửa. |
Theo phong tục, lễ Đông Sửa được tổ chức tại khu rừng thiêng của bản. Trong nghi lễ sẽ có hai lễ cúng, một lễ cúng các vị thần, người có công thành lập bản và một lễ cúng chủ rừng. Lễ vật gồm lợn, gà, rượu, gạo nếp, trầu, cau, áo thiêng của chủ rừng. Ngoài ra, mỗi hộ trong bản còn mang đến 1 đôi vòng tay bạc, 1 cuộn vải trắng, vải khít... để làm lễ cúng. Khi tiến hành nghi lễ cúng các vị thần, nhân dân trong bản sẽ tập trung quanh miếu thờ người khai sinh ra bản để thầy mo tiến hành làm thủ tục mời các vị thần linh về dự, tiếp nhận lễ vật và cầu xin những điều tốt đẹp cho dân làng. Tiếp đó, thầy mo làm lễ cúng chủ rừng, lễ vật gồm gà, rượu, xôi đựng trong “ếp khẩu” và áo thiêng của người cai quản rừng, cầu xin rừng thiêng bảo vệ dân bản, phù hộ nhân dân được bình yên.
Trong khuôn khổ lễ hội Đông Sửa, còn có các hoạt động vui chơi, như: Thi đan sọt, làm cút piêu, gói xôi, tung còn, múa sạp, bắt cá, tham quan gian trưng bày giới thiệu sản phẩm hàng thổ cẩm, hàng nông sản, ẩm thực của địa phương... thu hút được sự tham gia của nhân dân địa phương và du khách đến tham quan, trải nghiệm.
Lễ hội Đông Sửa của dân tộc Thái không chỉ là dịp để đồng bào tỏ lòng biết ơn đối với các vị thần linh, tổ tiên mà còn góp phần tăng thêm tình đoàn kết của cộng đồng, thể hiện nét độc đáo trong văn hóa tâm linh của người Thái ở Sơn La.
Bài và ảnh: THU THẢO