Thực hiện nhiệm vụ do Sở Văn hóa- Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế giao cho, bắt đầu từ tháng 4-2021 nghệ nhân A Viết Thị Tâm, người dân tộc Tà Ôi ở huyện A Lưới,  tỉnh Thừa Thiên Huế rời bản làng về sinh sống tại làng Tà Ôi thuộc làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam (gọi tắt là Làng).

Với cương vị là Trưởng nhóm Tà Ôi, cùng với niềm vinh dự, tự hào góp phần truyền bá những nét văn hóa đặc sắc của đồng bào Tà Ôi đến với đông đảo công chúng, thì điều khiến bà A Viết Thị Tâm lo lắng đó là việc chăm sóc sức khỏe cho bản thân vì tuổi cũng đã cao. Hơn thế, bà còn lo cho đồng bào cùng sinh sống trong Làng. Nhưng rồi những lo lắng được gạt bỏ, bởi bà A Viết Thị Tâm nhận thấy cơ sở y tế của Làng rất quan tâm đến bà con đồng bào dân tộc thiểu số.

leftcenterrightdel

 Có thẻ BHYT đồng hành, đồng bào dân tộc thiểu số yên tâm thực hiện nhiệm vụ quảng bá, phát huy giá trị tinh hoa văn hóa truyền thống của dân tộc mình tại Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam. 

Không chỉ được chăm sóc sức khỏe tại chỗ, nếu chẳng may bị đau ốm phải đi bệnh viện, bà con các dân tộc sinh sống tại Làng còn được các cán bộ y tế tận tình hỗ trợ các thủ tục, đặc biệt là tiếp cận, thụ hưởng các chính sách BHYT. Bà A Viết Thị Tâm kể: “Mới đây có đồng bào trong làng bị ốm phải đi cấp cứu ở Bệnh viện Quân y 105, nằm viện điều trị một tuần. Nhờ có BHYT nên bà con không phải lo lắng nhiều về phần kinh phí”.

“Mỗi khi đau ốm lại càng thấy tầm quan trọng và giá trị nhân văn sâu sắc của tấm thẻ BHYT”. Đó là những lời rút ra từ đáy lòng của anh Nghiền Văn Ngùng từ huyện A Lưới về sinh sống tại Làng hơn 3 năm nay. Vừa rồi, vợ anh bị viêm dạ dày phải đi cấp cứu và điều trị tại Bệnh viện Quân y 105. Vì vợ chưa bao giờ đau nặng như thế, lại đang sinh sống ở xa quê hương nên anh Ngùng vô cùng hoang mang. May mắn là vợ chồng anh được bà con và lãnh đạo Ban quản lý Làng quan tâm hỗ trợ. Không chỉ biết ơn những người xung quanh, vợ chồng anh Ngùng cảm thấy vô cùng may mắn khi có “tấm bùa hộ mệnh” là tấm thẻ BHYT: “Lo lắng, sốt ruột, thương vợ, nó khóc, mình cũng khóc….. May có thẻ BHYT nên vợ mình được điều trị, giờ khỏe lại rồi, mừng lắm”, anh Ngùng sung sướng nói.

leftcenterrightdel

Làm bánh a quát-một loại bánh truyền thống trong Tết A za (còn gọi là Tết mừng cơm mới) của đồng bào Tà Ôi.

Chính sách bảo hiểm ngày càng được chú trọng quan tâm đối với đồng bào dân tộc thiểu số, vì thế 100% bà con sinh sống tại Làng đều được thụ hưởng chính sách này. Với đa số đồng bào, thẻ BHYT là người bạn đồng hành chăm sóc sức khỏe đầy tin cậy. Việc nâng cao chất lượng, hiệu quả trong thực hiện chính sách bảo hiểm dành cho đồng bào dân tộc thiểu số là một phần quan trọng thuộc dự án "Chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người dân tộc thiểu số; phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em" nằm trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.

Cũng như nghệ nhân A Viết Thị Tâm hay vợ chồng anh Nghiền Văn Ngùng, tất cả đồng bà về Làng sinh sống đều phải rời xa quê hương bản quán, xa gia đình họ hàng, nếu bị đau ốm đột xuất sẽ rất khó khăn. May mắn thay, 100% bà con ở đây đều tham gia BHYT. Tuy nhiên, nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu của bà con là các cơ sở y tế gần nơi hộ khẩu thường trú.

Thấu hiểu những khó khăn của đồng bào nên ngoài việc chăm lo sức khỏe hàng ngày cho bà con, các cán bộ y tế của Làng còn hỗ trợ tận tình khi bà con phải đi bệnh viện. Chị Lê Thị Lý, cán bộ y tế của Làng bộc bạch: “Nếu đồng bào ốm thông thường, chúng tôi có sẵn thuốc điều trị. Nếu bệnh nặng hơn phải đi bệnh viện thì BHYT của đồng bào không chuyển ra đây được. Lý do là vì đồng bào sinh hoạt ở đây theo hợp đồng 3 tháng/lần, sau đó có người ở lại, có người về. Vì thế, chúng tôi không tiện chuyển BHYT ra Hà Nội. Nếu đồng bào bị ốm phải đi viện thì cán bộ y tế phải hỗ trợ để đồng bào được chi trả 100% chi phí khám chữa bệnh trong danh mục được BHYT chi trả”.

leftcenterrightdel
Đồng bào Tà Ôi rời quê hương về sinh sống tại Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam. 

Sự quan tâm sâu sắc của Ban Quản lý Làng, sự tận tình của cán bộ y tế cùng với hỗ trợ đắc lực của chính sách BHYT khiến đồng bào dân tộc thiểu số sống ở Làng cảm thấy vững tâm hơn. Nghệ nhân Lò Thị Tóm, Trưởng Làng dân tộc Thái rất yên tâm khi về sống tại Làng: “Tôi là người cao tuổi nên rất lo lắng về sức khỏe. Ngày 3-6-2022, tôi mắc bệnh tim và viêm phổi cấp do hậu quả của Covid-19, phải nằm điều trị tại Bệnh viện Quân y 105 nhiều ngày. May mắn, tôi được hưởng 100% BHYT, không mất tiền điều trị, chỉ mất tiền ăn thôi”.

Với những ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thẻ BHYT được đồng bào dân tộc thiểu số ví như “lá bùa hộ mệnh” giúp bà con vững tin sống khỏe và hăng say lao động sản xuất. Tuy nhiên, với đặc thù riêng, đồng bào sinh sống tại Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam mong muốn được tạo điều kiện mở rộng thông tuyến hơn nữa để thuận lợi hơn trong tiếp cận chính sách BHYT. 

Bài và ảnh: NGUYỄN THU HÀ

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Dân tộc, tôn giáo xem các tin, bài liên quan