Ông Vàng A Trứ phấn khởi cho biết: “Bộ đội Đoàn KT-QP 326 đến nhà hướng dẫn bằng tiếng của người Mông thì ưng cái bụng lắm. Bộ đội nói thì chúng tôi hiểu, chúng tôi nói thì bộ đội cũng hiểu, nhờ vậy mà chúng tôi biết thêm nhiều cách để nuôi con bò cho tốt, cho khỏe để nó phục vụ cho gia đình của mình”.

Được biết, Đội số 8 được giao nhiệm vụ đồng hành với cấp ủy, chính quyền địa phương giúp dân xóa đói, giảm nghèo, xây dựng địa bàn vững mạnh tại 3 xã của tỉnh Điện Biên gồm: Pú Hồng, Phình Giàng (huyện Điện Biên Đông) và Na Tông (huyện Điện Biên). Nơi đây, đồng bào người Mông chiếm trên 80% dân số. Nhờ biết tiếng Mông nên việc tuyên truyền, vận động bà con thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cũng như chuyển giao khoa học-kỹ thuật áp dụng vào sản xuất để nâng cao nguồn thu nhập cho bà con cũng trở nên dễ dàng hơn. Qua đó đã giúp đỡ đồng bào phát triển kinh tế, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và giảm đói nghèo.

Đoàn KT-QP 326 đóng quân trên địa bàn vùng sâu, biên giới có 12/15 xã đặc biệt khó khăn, trên 97% dân số là đồng bào các dân tộc thiểu số (trong đó, người Mông chiếm trên 34%). Để hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao, cán bộ, nhân viên Đoàn KT-QP 326 đã khắc phục trở ngại về ngôn ngữ để đến gần hơn với dân, góp phần xây dựng hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ trong lòng đồng bào các dân tộc nơi biên giới.

leftcenterrightdel
Cán bộ, nhân viên Đoàn KT-QP 326 tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện đời sống văn hóa mới, tháng 3-2023. 

Trao đổi với chúng tôi, Thượng tá Nguyễn Hữu Cảnh, Phó chính ủy Đoàn KT-QP 326 cho biết: “Nhận thức rõ việc cán bộ, nhân viên nghe, nói, hiểu được tiếng của đồng bào sẽ tạo thuận lợi rất lớn cho quá trình làm công tác vận động quần chúng, Đoàn KT-QP 326 đã phối hợp với Trường Cao đẳng Sơn La mở các lớp học tiếng Mông cho cán bộ, nhân viên và triển khai nhiều giải pháp nhằm giúp cán bộ, nhân viên có thể nghe, hiểu và nói thành thạo tiếng dân tộc thiểu số”. Được biết, quá trình giảng dạy, giáo viên của Trường Cao đẳng Sơn La đã thiết kế chương trình học tập có sự kết hợp chặt chẽ giữa lên lớp với các hoạt động ngoại khóa, hoạt động thực tiễn ở đơn vị và địa phương, qua đó tạo ra sự hứng khởi trong việc học tiếng Mông đối với cán bộ, nhân viên.

Bên cạnh đó, Đoàn KT-QP 326 còn triển khai mô hình “Mỗi tuần học một nội dung tiếng Mông”. Theo đó, mỗi tuần, cán bộ, nhân viên phải học, đọc thành thạo hai câu giao tiếp bằng tiếng Mông. Cơ quan chính trị của Đoàn đã thành lập nhóm học tiếng Mông trên mạng xã hội Zalo và thường xuyên đăng tải các nội dung là những từ ngữ, câu nói giao tiếp thông thường của đồng bào người Mông lên nhóm để cán bộ, nhân viên có thể học tập mọi lúc, mọi nơi.

Ngoài ra, hằng năm, Đoàn còn tổ chức tập huấn bồi dưỡng kỹ năng công tác dân vận, phong tục, tập quán của các dân tộc trên địa bàn; tổ chức biên soạn, học tập các chuyên đề về phương pháp nắm, tổng hợp, báo cáo tình hình địa bàn, tình hình nhân dân; các chính sách với đồng bào dân tộc, tôn giáo trên địa bàn nhằm thực hiện có hiệu quả các mục tiêu phát triển kinh tế-văn hóa-xã hội của địa phương nơi đơn vị đóng quân. Đây chính là cầu nối để bộ đội “nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”, đẩy nhanh công cuộc xóa đói, giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống của đồng bào vùng biên.

Bài và ảnh: TRẦN HÀO