Ngày 9-4-2020, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 42/NQ-CP về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Với tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau”, khoảng 20 triệu người thuộc 7 nhóm đối tượng trong diện được thụ hưởng chính sách hỗ trợ này với kinh phí hơn 62.000 tỷ đồng. Chính sách được ban hành kịp thời phần nào tháo gỡ khó khăn cho người dân trước ảnh hưởng của đại dịch. Tuy nhiên, không chỉ đối tượng chịu ảnh hưởng tiêu cực từ dịch Covid-19 mà nhiều phụ nữ DTTS hiện nay còn phải chịu tác động bởi sự bất bình đẳng về giới, bị trói buộc bởi những hủ tục... khiến họ trở thành đối tượng càng dễ bị tổn thương và cần phải được bảo vệ hơn cả.
Chị Triệu Thị Lan, người dân tộc Dao ở xóm Mới (xã Đồng Sơn, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ) chia sẻ: “Hầu hết phụ nữ trong xóm tôi sống bằng nghề chăn nuôi và trồng trọt. Trước đây, tiểu thương đến tận nơi để thu mua rau rừng, măng rừng. Nhưng hiện nay do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên họ không đến thu mua nữa. Vì thế, việc tiêu thụ các loại rau rừng, măng rừng và những sản phẩm nông nghiệp khác của chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn”. Cũng rơi vào hoàn cảnh khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, chị Hà Thị Xuân, chủ Homestay Xuân Sơn (xã Xuân Sơn, huyện Tân Sơn) cho biết: “Thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hoạt động du lịch bị đình trệ nên nguồn thu từ kinh doanh homestay của gia đình tôi bị sụt giảm nghiêm trọng. Là phụ nữ trong gia đình, chúng tôi thấy rất rõ sự khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh”.
 |
Phụ nữ dân tộc Dao ở xã Đồng Sơn (huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ) bán măng rừng (ảnh chụp trước ngày 27-4). |
Trước những khó khăn của người dân nói chung, hội viên phụ nữ nói riêng, ông Hoàng Mạnh Hùng, Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội, Phó trưởng ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ huyện Tân Sơn, cho biết: "Tân Sơn có hơn 82% dân số là người DTTS. Thời gian qua, các cấp chính quyền, đoàn thể đã chủ động quan tâm thăm hỏi, tặng quà người có công, gia đình chính sách, hộ nghèo, hộ cận nghèo... trên địa bàn. Các cấp, các ngành của huyện cũng tích cực rà soát, lập danh sách các đối tượng khó khăn, các hộ kinh doanh bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh... để hỗ trợ theo chính sách của Nhà nước, góp phần giúp người dân vượt qua giai đoạn khó khăn này. Riêng với đối tượng là phụ nữ DTTS, ngoài việc hỗ trợ trước mắt, chúng tôi còn quan tâm hỗ trợ lâu dài với nhiều hình thức, như: Dạy nghề, cho vay vốn, hướng dẫn triển khai nhiều mô hình chăn nuôi, trồng trọt...".
Không chỉ ở Tân Sơn, phụ nữ DTTS trên cả nước đang là đối tượng chịu nhiều ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Thanh Vân, Phó giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển xanh (GreenHub) cho biết: "Vừa qua, được sự tài trợ của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam, GreenHub đã phối hợp với một số đơn vị triển khai dự án tăng cường khả năng phục hồi và thích ứng của phụ nữ DTTS bị ảnh hưởng bởi Covid-19 tại hai tỉnh Bắc Kạn và Đắc Nông. Dự án triển khai từ tháng 9 đến tháng 12-2020, đã hỗ trợ bằng tiền mặt cho 1.400 hộ phụ nữ DTTS (700 hộ ở Bắc Kạn và 700 hộ tại Đắc Nông)-là những gia đình yếu thế và dễ bị tổn thương nhất bởi dịch Covid-19 với số tiền 2,3 triệu đồng/hộ. Theo đó, tổng số tiền hỗ trợ là 3 tỷ 220 triệu đồng. Ngoài hỗ trợ bước đầu về tiền mặt, dự án còn triển khai hỗ trợ các nhóm kinh doanh lập kế hoạch kinh doanh phục hồi sau Covid-19... Đồng hành với Chính phủ, mục tiêu vì sự phát triển chung của cộng đồng, hiện GreenHub tiếp tục triển khai nhiều dự án hỗ trợ phát triển kinh tế, chia sẻ các bài học, kinh nghiệm tốt góp phần giúp phụ nữ DTTS ứng phó với những khó khăn do tác động của dịch Covid-19".
Hiện nay, dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, phụ nữ DTTS tiếp tục là một trong những đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất. Bởi vậy, cần có những chính sách hỗ trợ toàn diện hơn, không chỉ hỗ trợ trước mắt mà còn cần những cơ chế, chính sách mang tính dài hơi nhằm nâng cao năng lực, khả năng thích ứng của phụ nữ DTTS, như: Tạo việc làm, tăng thu nhập; thúc đẩy bình đẳng giới... để phụ nữ DTTS có thể thoát nghèo bền vững.
Bài và ảnh: DƯƠNG SAO - HUYỀN TRANG