Xã A Mú Sung, huyện Bát Xát là nơi Đoàn KT-QP 345 đóng quân. Bệnh xá của Đoàn nằm chênh vênh trên một khu đồi cao, đối diện sở chỉ huy, đây là địa chỉ quen thuộc của nhiều người dân thuộc các xã trong vùng dự án như: A Mú Sung, A Lù, Nậm Chạc... Theo Thượng úy QNCN Nguyễn Văn Dũng, y sĩ Đoàn KT-QP 345, người dân trong 5 xã thuộc vùng dự án chủ yếu là đồng bào các dân tộc Mông, Hà Nhì, Giáy... Đời sống kinh tế cũng như kiến thức về sức khỏe, dinh dưỡng, văn hóa, xã hội của đồng bào còn nhiều hạn chế, khó khăn. Bên cạnh đó, một số hủ tục vẫn tồn tại trong đời sống của bà con, trong đó có việc khám, chữa bệnh bằng tập tục, tâm linh cúng bái. Do vậy, đội ngũ y, bác sĩ của Đoàn thường xuyên phối hợp với trạm y tế các xã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn bà con cách ăn ở hợp vệ sinh, phòng ngừa dịch bệnh; tổ chức cấp cứu, khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe, cứu chữa giúp nhiều người không may bị tai nạn hoặc mắc bệnh hiểm nghèo. Vì vậy, người dân coi y, bác sĩ của Đoàn KT-QP 345 như là người con của dân bản.

leftcenterrightdel
Chiến sĩ quân y Bệnh xá Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 345 tuyên truyền, vận động người dân ăn ở hợp vệ sinh, giữ gìn môi trường sạch, đẹp. 

 

Gần 12 giờ đêm một ngày gần đây, trời tối như mực, không gian tĩnh lặng, bỗng dưng điện thoại di động của Thượng úy QNCN Nguyễn Văn Dũng reo vang từ số máy lạ. Là người đã có thâm niên 6 năm gắn bó với vùng cao A Mú Sung nên anh nghĩ ngay đến việc có bệnh nhân cấp cứu. Từ đầu dây bên kia có tiếng nói gấp gáp đề nghị cứu chữa người bị tai nạn giao thông. Vừa mở cửa phòng khám xong thì có người đã chở anh Phùng Láo Tả, người dân tộc Dao, nhà ở thôn Nậm Mít, xã A Mú Sung, đến cấp cứu, trên người nồng nặc mùi rượu. Theo lời kể của người dân, anh Tả đi xe máy, do uống rượu nhiều, không làm chủ được nên tự ngã. Qua kiểm tra, bệnh nhân bị chấn thương, xây xát nhiều nơi trên cơ thể và bị rách da ở vùng trán. Y sĩ Dũng đã sơ cứu, lau rửa vết thương, tiến hành khâu chỗ rách da trên trán và yêu cầu bệnh nhân phải nằm lại bệnh xá để theo dõi. Sau 7 ngày điều trị, thay băng, uống thuốc, sức khỏe bệnh nhân Tả đã ổn định và được cho về nhà trong niềm vui của gia đình. Hôm ra về, anh Phùng Láo Tả hứa với các y, bác sĩ của Bệnh xá từ nay về sau đã uống rượu sẽ không lái xe máy nữa.

Trước đó không lâu, anh Ly Suy Cà, người dân tộc Mông, ở thôn Tung Qua, xã A Mú Sung, cũng được các y, bác sĩ Bệnh xá Đoàn KT-QP 345 cứu chữa. Trong một buổi tối, do bất cẩn nên anh Cà bị ngã từ trên nhà sàn xuống vỉa hè nền bê tông. Nhận được đề nghị phối hợp cấp cứu bệnh nhân từ Trạm Y tế xã A Mú Sung, Bệnh xá đã cử y sĩ Đinh Quang Ngọc đến gia đình. Trước mắt anh Ngọc là một người đàn ông trạc 40 tuổi, bị ngất lịm và đa chấn thương. Với tinh thần cứu người là trên hết, y sĩ Ngọc nhanh chóng sơ cứu cho anh Cà, đồng thời báo cáo chỉ huy Đoàn điều xe cứu thương đưa bệnh nhân đến Bệnh viện Đa khoa huyện Bát Xát cấp cứu. Gần như cả đêm hôm ấy anh Ngọc không được chợp mắt, chỉ đến khi hoàn thiện các thủ tục nhập viện cho anh Cà, bàn giao cho người nhà xong xuôi, y sĩ Ngọc mới trở về đơn vị.

Bế đứa con trai nhỏ mới hơn tháng tuổi trên tay, anh Ly Giờ Phó, nhà ở thôn Tùng Sáng, xã A Mú Sung, không giấu nổi niềm vui, xúc động và cả sự biết ơn với các y, bác sĩ Bệnh xá Đoàn KT-QP 345. Chuyện là, hơn một tháng trước, vợ anh là chị Sùng Thị Chứ còn vài ngày nữa mới đến ngày sinh nở nhưng bị đau bụng dữ dội. Sợ không kịp đưa ra bệnh xá hay trạm xá của xã để sinh, gia đình quyết định để chị đẻ ở nhà. Nhưng cơn đau kéo dài khiến chị Chứ mất sức không đẻ được, có hiện tượng bị mất nước ối. Nhận được tin đề nghị phối hợp cấp cứu của trạm y tế xã, các y sĩ của Bệnh xá Đoàn KT-QP 345 đã nhanh chóng cơ động đến gia đình. Thấy sản phụ sức khỏe yếu, cháu nhỏ và mẹ không bảo đảm an toàn, các y sĩ cùng người nhà nhanh chóng đưa bệnh nhân đến tuyến trên mổ đẻ kịp thời. Theo các bác sĩ tiếp nhận, nếu sản phụ đến chậm chừng hai, ba mươi phút sẽ không an toàn cho cả mẹ lẫn con. Khi sản phụ đã mẹ tròn con vuông, các chiến sĩ quân y mới thở phào nhẹ nhõm.

Theo bác sĩ Hoàng Văn Duy, Trạm trưởng Trạm Y tế xã A Mú Sung, nhiều năm qua, đội ngũ y, bác sĩ của Bệnh xá Đoàn KT-QP 345 đã có nhiều việc làm rất thiết thực, cứu chữa bệnh nhân; vận động bà con xóa bỏ hủ tục trong khám, chữa bệnh, ăn ở hợp vệ sinh, phòng ngừa dịch bệnh. Hằng ngày, nhiều người dân đến Bệnh xá khám, chữa bệnh, nhận thuốc điều trị. Các y, bác sĩ quân y của Đoàn đã cấp cứu, điều trị cho nhiều người không may bị tai nạn hoặc trong những trường hợp khẩn cấp. Bệnh xá còn thường xuyên hỗ trợ trạm y tế xã một số vật tư y tế, khám bệnh, tư vấn về sức khỏe sinh sản cho chị em trong độ tuổi sinh nở và tiêm chủng cho trẻ nhỏ.

Trao đổi với chúng tôi, Đại tá Phan Văn Chiến, Đoàn trưởng Đoàn KT-QP 345 cho biết: “Mặc dù đội ngũ y, bác sĩ của Đoàn còn thiếu so với biên chế, thường xuyên phải xa gia đình, người thân nhưng các chiến sĩ áo trắng không ngại khó, ngại khổ, đem kiến thức, lòng nhiệt huyết của mình chăm sóc sức khỏe cho đồng bào các dân tộc còn nghèo khó. Chính các chiến sĩ áo trắng là những người trực tiếp làm công tác dân vận hiệu quả nhất, được bà con các dân tộc nơi đây yêu quý, tin tưởng”.

Bài và ảnh: ĐÀO DUY TUẤN