Trước đây, bà con sinh sống trên sườn núi Lũng Đắc ở xóm Lũng Đắc, xã Quốc Phong, huyện Quảng Uyên (nay thuộc huyện Quảng Hòa). Theo Trưởng thôn Lã Văn Nghĩa, Lũng Đắc là xóm đặc biệt khó khăn. Cả xóm chỉ có 15 hộ dân, 100% đồng bào dân tộc Mông và đều là hộ nghèo. Nơi đây toàn dốc đá, nước sinh hoạt phụ thuộc vào thiên nhiên, không có điện lưới quốc gia, không có trạm y tế, trẻ em không được đi học, đồng bào canh tác nông nghiệp chỉ trồng giống ngô truyền thống, cuộc sống rất khó khăn, một số gia đình thiếu ăn 5-6 tháng mỗi năm. Trước thực trạng này, chính quyền địa phương đã vận động đồng bào “hạ sơn”, xây dựng bản làng, cuộc sống mới.
 |
Niềm vui của các cháu nhỏ ở thôn Đà Vĩ, thị trấn Quảng Uyên (Quảng Hòa, Cao Bằng). |
Chủ trương là vậy, tuy nhiên, tìm một khu vực thích hợp để lập xóm mới là việc không dễ. Sau khi tính toán, chính quyền địa phương quyết định chọn phần đất rẫy ở thung lũng thôn Đà Vĩ làm nơi định cư cho bà con. Thế nhưng, toàn bộ khu vực này đều là nương rẫy của đồng bào Tày, Nùng sinh sống lâu đời. Sau khi được vận động, đã có 3 hộ dân thôn Đà Vĩ tình nguyện hiến hơn 5.000m2 đất để chính quyền làm nhà, đưa đồng bào xuống núi.
Ông Lý Viết Mao, Chủ tịch UBND thị trấn Quảng Uyên cho biết: “Với mong muốn đồng bào sớm có nơi ở mới, chỉ trong vòng 4 tháng, dự án di dân đã hoàn thành. Khu dân cư có đường giao thông cấp phối rộng rãi, điện sinh hoạt đầy đủ, nhà ở được thiết kế phù hợp với phong tục, tập quán của đồng bào...”.
Gia đình anh Ngô Văn Dình là một trong 15 hộ dân “hạ sơn” về nơi ở mới. Thật vui vì không chỉ có được cuộc sống đủ đầy, kinh tế phát triển (năm 2021, gia đình anh thu nhập gần 100 triệu đồng từ việc chăn nuôi bò), về nơi ở mới, anh còn có điều kiện để chữa khỏi bệnh cho con. Cháu Ngô Thị Trâm, con gái anh sinh năm 2009; từ nhỏ thường đau yếu, bụng lúc nào cũng nổi một cục to. Khi còn ở trên núi, do bị chi phối bởi tập tục lạc hậu, lại không có trạm y tế nên cháu không có điều kiện khám, chữa bệnh.
“Ngày trước, thầy mo bảo con tôi bị ma rừng nhập nên phải làm lễ đuổi con ma rừng ra khỏi nhà thì mới khỏi bệnh. Gia đình vay mượn tiền sắm lễ vật, mời thầy cúng đuổi ma rừng nhưng không có kết quả. Sau khi về nơi ở mới, được các cán bộ hướng dẫn, giúp đỡ đưa cháu đi khám và phẫu thuật, nhờ đó cháu đã khỏi bệnh và mạnh khỏe cho đến bây giờ”, anh Ngô Văn Dình chia sẻ. Không chỉ được chữa bệnh, các con của anh Dình và trẻ em trong thôn đều được đi học ở những ngôi trường khang trang.
Rời khu định cư của đồng bào Mông ở Đà Vĩ trong buổi chiều cuối năm, đọng lại trong chúng tôi là hình ảnh những ngôi nhà lợp tôn xanh biếc nằm sát nhau, những con đường bê tông sạch đẹp uốn lượn xung quanh thôn, tiếng cười đùa của những đứa trẻ...
Bài và ảnh: HUYỀN TRANG