Thiếu nguồn kết nạp Đảng

Trong quá trình tìm hiểu thực tế về công tác xây dựng đội ngũ đảng viên vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh Lai Châu, chúng tôi nhận thấy những năm gần đây, nguồn phát triển đảng viên chủ yếu dựa vào lực lượng đoàn viên, thanh niên. Tuy nhiên, do trên địa bàn tỉnh không có nhiều công ty, doanh nghiệp, khu công nghiệp... nên thanh niên trong độ tuổi lao động rời địa phương đi làm ăn xa quê ngày càng nhiều. Bên cạnh đó, không ít quần chúng có tâm lý “ngại” vào Đảng vì nghĩ rằng làm cán bộ, công chức thì mới vào Đảng; rồi vào Đảng phải đóng đảng phí, làm ảnh hưởng đến kinh tế gia đình; vào Đảng thì phải chấp hành quy định của Đảng, đi họp hằng tháng sẽ làm ảnh hưởng đến sinh hoạt... Điều đó đã gây khó khăn cho việc tạo nguồn kết nạp Đảng.

Đảng bộ xã Bản Lang (huyện Phong Thổ) hiện có 19 chi bộ, trong đó 6 chi bộ khối cơ quan và 13 chi bộ thôn, bản. Mặc dù thời gian qua, xã Bản Lang rất chú trọng đến công tác phát triển đảng viên là người DTTS, tuy nhiên, việc kết nạp đảng viên mới gặp khó. Như Chi bộ bản Nậm Lùng (xã Bản Lang) hiện có 7 đảng viên. Theo Nghị quyết Đại hội Chi bộ nhiệm kỳ 2020-2022 và nhiệm kỳ 2022-2025 đặt mục tiêu phấn đấu mỗi năm kết nạp ít nhất 1 đảng viên mới trở lên. Mục tiêu đề ra là thế, nhưng từ năm 2020 đến nay, Chi bộ bản Nậm Lùng chưa kết nạp được đảng viên mới nào. Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Trung tá QNCN Nguyễn Huy Du, Bí thư Đảng ủy xã Bản Lang cho biết: “Bản Lang là xã biên giới, việc làm ở địa phương ít, chính vì vậy, nhiều người dân, đặc biệt là thanh niên đi làm việc ở các tỉnh dưới xuôi. Còn với những thanh niên ở địa phương, có người đủ tiêu chuẩn thì lại không mặn mà vào Đảng, có trường hợp mong muốn được kết nạp Đảng thì lại vi phạm Luật Hôn nhân và Gia đình. Những vấn đề này làm ảnh hưởng lớn đến việc tạo nguồn kết nạp Đảng”.

Một buổi sinh hoạt chi bộ mẫu tại Chi bộ bản Đông Pao 2, xã Bản Hon, huyện Tam Đường.

Còn tại xã Sà Dề Phìn (huyện Sìn Hồ), hiện có 102 đảng viên đang sinh hoạt tại 9 chi bộ. Theo Nghị quyết Đại hội nhiệm kỳ 2020-2025, mỗi năm Đảng bộ xã phấn đấu kết nạp 5-7 đảng viên mới, nhưng do quần chúng ở xã hầu hết đi làm ăn xa nên cũng gặp khó trong việc kết nạp Đảng. Chính vì vậy, năm 2020 và 2021, xã Sà Dề Phìn không đạt được chỉ tiêu đề ra khi mà mỗi năm chỉ kết nạp được 1 đảng viên và trong 6 tháng đầu năm 2024, Đảng bộ xã chưa kết nạp thêm được đảng viên mới. Đồng chí Tẩn Trung Kiên, Phó bí thư Thường trực Đảng ủy xã Sà Dề Phìn cho biết: “Do nhiều thanh niên ở địa phương đi làm ăn xa hoặc tảo hôn, sinh con thứ ba... nên chúng tôi gặp nhiều khó khăn trong việc kết nạp đảng viên mới. Vấn đề này, Đảng ủy xã rất trăn trở và đang tăng cường chỉ đạo các chi bộ cơ sở tiếp tục quan tâm, tìm giải pháp tháo gỡ”.

Bên cạnh việc thanh niên đi làm ăn xa thì tại nhiều thôn, bản vùng cao ở tỉnh Lai Châu, do có nhiều trường hợp vi phạm Luật Hôn nhân và Gia đình, trong đó có tảo hôn cũng gây khó khăn trong việc bồi dưỡng, tạo nguồn kết nạp Đảng. Như tại huyện Sìn Hồ, trong năm 2023 có tới 246 cặp tảo hôn trong tổng số 457 cặp kết hôn (chiếm 53,8%). Trong 6 tháng đầu năm 2024, toàn huyện có 342 cặp kết hôn thì có tới 129 cặp tảo hôn (chiếm tỷ lệ 37%). Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Bùi Văn Tuấn, Phó bí thư Thường trực Huyện ủy Sìn Hồ cho biết: “Hệ lụy của tình trạng tảo hôn làm ảnh hưởng rất lớn đến công tác phát triển đảng viên, bởi tất cả trường hợp tảo hôn đều không bảo đảm điều kiện để xem xét kết nạp Đảng”.

Không chỉ việc tảo hôn, với đồng bào Mông, họ còn mang tâm lý lo sợ mỗi khi tổ chức kiểm tra. Vì vậy, có rất nhiều trường hợp đã được cử đi học cảm tình Đảng, nhưng đến ngày kiểm tra lại bỏ nên không thể kết nạp Đảng được. Như vào năm 2003, xã Pa Tần (huyện Sìn Hồ) có trường hợp ông Giàng A Phồng, cán bộ xã Pa Tần, được cử đi học cảm tình Đảng. Tuy nhiên đến ngày kiểm tra lần thứ nhất, ông Phồng lấy lý do bận việc gia đình nên không tham gia. Khi được thông báo tổ chức kiểm tra lần tiếp theo, ông Phồng lo sợ đến... phát ốm, phải đi bệnh viện.

Khoảng cách bình đẳng giới còn xa

Tại nhiều địa phương ở Lai Châu, kết nạp được đảng viên là người DTTS đã khó thì để kết nạp được đảng viên là nữ còn khó hơn rất nhiều. Nguyên nhân của tình trạng này là do nhiều phụ nữ DTTS tảo hôn, rồi sinh con, dẫn đến quá trình rèn luyện, phấn đấu bị ngắt quãng, không thường xuyên. Bên cạnh đó, tâm lý “trọng nam khinh nữ” cũng là rào cản khiến chị em không muốn phấn đấu.

Như ở bản Nậm Tiến 1 (xã Pa Tần) có trường hợp chị Vàng Thị Súa rất năng động, nhiệt tình tham gia các công việc của bản. Lãnh đạo xã Pa Tần nhiều lần đề nghị chị làm Trưởng ban công tác mặt trận của bản và đi học cảm tình Đảng. Tuy nhiên, vì tâm lý “vợ không thể tiến bộ hơn chồng” nên chồng chị Súa nhất định không đồng ý cho vợ mình kết nạp Đảng.

Điều đáng nói là không chỉ ở những huyện vùng cao mà đối với những huyện vùng thấp, công tác phát triển đảng viên nông thôn, đặc biệt là đảng viên nữ cũng gặp khó khăn. Như trường hợp chị Hoàng Thị Tuyến, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ bản Thèn Thầu (xã Bình Lư, huyện Tam Đường). Theo đánh giá của cán bộ và nhân dân bản Thèn Thầu thì chị Tuyến là cán bộ phụ nữ năng động, trách nhiệm với công việc. Đã nhiều lần cán bộ xã và bản đề nghị chị đi học cảm tình Đảng, tuy nhiên, do tâm lý “trọng nam khinh nữ”, chồng chị Tuyến không đồng ý để chị được kết nạp Đảng. Trong 2-3 năm vừa qua, cán bộ xã, bản thường xuyên đến vận động, tuyên truyền nhưng chồng chị Tuyến vẫn không đồng ý. Trao đổi với chúng tôi, chị Hoàng Thị Tuyến cho biết: “Tôi rất muốn đứng trong hàng ngũ của Đảng, nhưng vì việc gia đình nên tôi không thể làm gì khác. Không được kết nạp Đảng, tôi rất buồn”.

Không chỉ xảy ra những trường hợp gia đình không đồng ý cho chị em phụ nữ kết nạp Đảng, tham gia công tác xã hội với lý do ở nhà tập trung chăm lo gia đình, mà thậm chí còn có trường hợp đã là đảng viên, nhưng vì áp lực gia đình nên buộc phải xin thôi sinh hoạt Đảng. Đó là trường hợp của chị Hoàng Thị Tuyết ở bản Hoa Vân, xã Bình Lư. Trước đây, chị Tuyết là cán bộ y tế của bản Hoa Vân và đã có 10 năm là đảng viên. Mặc dù hết sức tận tâm với công việc nhưng chồng chị Tuyết đã bắt vợ thôi sinh hoạt Đảng. Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Nhẫn, Bí thư Chi bộ bản Hoa Vân cho biết: “Chúng tôi đã nhiều lần đến động viên chồng chị Tuyết đồng ý để vợ tiếp tục tham gia sinh hoạt Đảng và các công việc của bản nhưng chồng chị Tuyết vẫn không đồng ý. Năm 2019, chị Tuyết đã xin thôi sinh hoạt Đảng”.

Tìm hiểu thêm chúng tôi nhận thấy, mặc dù công tác bình đẳng giới được cấp ủy đảng, chính quyền các cấp của tỉnh quan tâm và đã đạt được một số kết quả phấn khởi nhưng không thể phủ nhận thực tế là khoảng cách bình đẳng nam-nữ vẫn còn khá xa, nhất là ở vùng đồng bào DTTS. Phụ nữ DTTS thường bị hạn chế về học tập, nhiều nơi phụ nữ kết hôn sớm rồi sinh con, dẫn đến quá trình rèn luyện, phấn đấu bị ngắt quãng, không thường xuyên. Đây cũng là một trong những “nút thắt” ảnh hưởng đến nguồn kết nạp Đảng.

(còn nữa)

Bài và ảnh: HỒNG THỊNH - TRANG HÀ

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Xã hội xem các tin, bài liên quan.