Nhìn lại hành trình giải "bài toán" giảm nghèo ở Bông Krang, đồng chí Y Khiêm Dắc Cắt, Chủ tịch UBND xã Bông Krang cho biết: "Để giảm nghèo hiệu quả, trước hết phải thay đổi tập quán canh tác lạc hậu vốn đã ăn sâu bám rễ trong nếp nghĩ, cách làm của bà con. Vì vậy, cần tìm cách giúp bà con áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật (KHKT), đưa giống mới cho năng suất cao vào sản xuất. Tiếp đến là triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ, chăm lo của Đảng, Nhà nước đối với đồng bào dân tộc thiểu số vùng đặc biệt khó khăn. Trong đó có thể kể đến chương trình giải quyết đất ở, đất sản xuất; chương trình hỗ trợ về nhà ở, điện thắp sáng và nước sinh hoạt; các chương trình, mục tiêu quốc gia về y tế, giáo dục, vì sự phát triển của phụ nữ, xây dựng nông thôn mới...".
 |
Lãnh đạo huyện Lắk và xã Bông Krang trao tặng bà con cây mít Thái giống. |
Một biện pháp góp phần giảm nghèo thiết thực nữa là các cấp, các ngành trong tỉnh Đắc Lắc tổ chức các tổ, đội công tác, cử cán bộ các cơ quan, đơn vị kết nghĩa với 11/11 thôn, buôn, trực tiếp đến từng hộ nghèo hướng dẫn bà con áp dụng KHKT vào trồng trọt, chăn nuôi, cải tạo đất; tặng giống cây trồng, vật nuôi; giúp công lao động cho những gia đình neo đơn. Nhờ vậy, thu nhập bình quân của 1.829 hộ dân với hơn 7.800 nhân khẩu của xã Bông Krang từng bước được nâng cao, đến năm 2020 đạt 17 triệu đồng/người/năm; mục tiêu năm 2021 đạt 21 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo ở Bông Krang giảm từ 65% năm 2015 xuống còn 43,7% năm 2020. Trong xây dựng nông thôn mới, tính đến nay toàn xã huy động được 174 tỷ đồng đầu tư hạ tầng nông thôn, nhân dân hiến hơn 13ha đất và tham gia 1.240 ngày công lao động. Năm 2020, xã Bông Krang đã hoàn thành 11/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, năm 2021 đã hoàn thành thêm tiêu chí về nhà ở dân cư. Trên lĩnh vực phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, xã Bông Krang đã có nhiều gương điển hình, như các hộ nông dân Y Thương Kmăn, Y Sơn Long Dinh, cùng trú buôn Mă nhờ biết áp dụng tiến bộ KHKT, đưa giống mới vào trồng trọt, chăn nuôi nên có thu nhập bình quân mỗi năm hơn 200 triệu đồng.
Trao đổi với chúng tôi về công tác lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đồng chí Bùi Văn Thanh, Bí thư Đảng ủy xã Bông Krang nhấn mạnh hai vấn đề. Trước hết là thủy lợi, phải bảo đảm nước tưới thì sản xuất nông nghiệp mới bền vững. Đất đai ở Bông Krang vốn đã khô cằn, khí hậu lại khắc nghiệt, nếu không chủ động nước tưới từ thủy lợi như hiện nay thì sản xuất nông nghiệp, nhất là lúa nước, cà phê sẽ khó ổn định, không thể đạt năng suất cao. Thứ hai, phải tìm ra cây trồng thích hợp, thay thế dần những cây trồng kém hiệu quả. Hiện nay, cây mít Thái đã thử nghiệm thành công ở Bông Krang. Từ đầu năm 2021, xã đã vận động các nguồn tài trợ cùng sự đóng góp của cán bộ, đảng viên, mua tặng bà con trồng được 6.000 cây mít Thái. Đặc biệt, trong thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/HU ngày 5-3-2021 của Huyện ủy về lãnh đạo thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi giai đoạn 2021-2025, xã Bông Krang thành lập 10 tổ công tác phụ trách địa bàn 11 thôn, buôn. Thành viên các tổ là cán bộ, đảng viên, công chức, đại biểu HĐND xã, mỗi tổ từ 3 đến 5 người. Tổ có nhiệm vụ hướng dẫn từng hộ dân trồng, chăm sóc cây mít Thái từ khi trồng cho đến thời điểm ra quả. Bản thân đồng chí Bí thư Đảng ủy xã Bùi Văn Thanh cũng trực tiếp làm tổ trưởng phụ trách thôn Sân Bay, với hơn 100 hộ dân.
Cũng theo đồng chí Bí thư Đảng ủy xã, cấp ủy, chính quyền địa phương luôn trăn trở tìm hướng giúp bà con xóa nghèo. Không chỉ đơn thuần là vấn đề tìm ra cây trồng, vật nuôi thích hợp mà còn phải tính đến khâu tiêu thụ sản phẩm, phát triển chuỗi sản xuất để tạo thêm việc làm, nâng cao thu nhập cho bà con. Hiện nay, ngoài cây mít Thái, xã Bông Krang đang định hướng bà con phát triển cây mắc ca, cây ăn quả để thay thế dần cây cà phê trên đất không thích hợp; phát triển nghề rừng và đẩy mạnh chăn nuôi gia súc, gia cầm theo quy mô trang trại. Với mục tiêu đến năm 2025, Bông Krang chuyển đổi hợp lý, hiệu quả từ 5 đến 10% diện tích đất hoang hóa, đất bỏ trống, đất khô hạn trong mùa khô, đất ngập lụt trong mùa mưa sang trồng những cây phù hợp có hiệu quả kinh tế cao; phát triển tổng đàn gia súc, gia cầm lên hơn 76.000 con, thí điểm thành công từ 1 đến 2 mô hình trang trại chăn nuôi tập trung, sạch và có hàm lượng kinh tế cao. Với cách làm trên, Bông Krang phấn đấu giai đoạn 2021-2025 bình quân mỗi năm giảm 3,5% hộ nghèo; sớm ra khỏi xã diện đặc biệt khó khăn.
Bài và ảnh: BÌNH ĐỊNH