Xã có diện tích gần 8.000ha, với hơn 13.000 nhân khẩu, trong đó người dân tộc Sán Dìu chiếm khoảng 38% dân số. Những năm gần đây, tình hình kinh tế-xã hội trên địa bàn xã Ngọc Thanh có nhiều chuyển biến tích cực, đời sống nhân dân ngày càng được nâng cao, cộng đồng người dân tộc Sán Dìu cũng có bước phát triển mới.

leftcenterrightdel
 Người Sán Dìu ở thôn Lập Đinh, xã Ngọc Thanh (Phúc Yên) vui đón Tết. Ảnh: mattran.org.vn 

 

Với vị trí địa lý thuận lợi, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, có khu du lịch Đại Lải nổi tiếng, tạo điều kiện cho xã Ngọc Thanh thu hút các doanh nghiệp đến đầu tư, phát triển dịch vụ du lịch, kinh doanh nhà hàng, khách sạn, khu nghỉ dưỡng cao cấp, khu du lịch sinh thái... Hiện nay, có nhiều doanh nghiệp đến đầu tư, góp phần phát triển kinh tế-xã hội địa phương, giải quyết được vấn đề việc làm cho nhiều lao động trong xã. Cơ cấu kinh tế của xã được chuyển dịch từ 60% là nguồn thu nhập từ phát triển nông, lâm nghiệp sang 60% là nguồn thu nhập từ phát triển thương mại, dịch vụ. Cộng đồng người Sán Dìu được phân bố đều khắp các thôn trong xã, sống đan xen với các dân tộc khác. Đồng bào Sán Dìu ở đây có tiếng nói riêng, nhưng không biết sử dụng chữ viết riêng. 

Để phát triển kinh tế cho bà con nơi đây, đặc biệt là người dân tộc thiểu số, chính quyền các cấp đã cho xây dựng những mô hình, dự án phát triển sản xuất như: Trồng cây trà hoa vàng, đinh lăng, xạ đen, cà gai leo, rau sạch, rau hữu cơ, giống lúa mới... ở hầu hết các thôn, làng. Ngoài ra, trên địa bàn xã còn phát triển nhiều loại cây ăn quả, cây lấy gỗ cho năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế cao. Mô hình chăn nuôi kinh tế trang trại cũng góp phần tăng trưởng kinh tế cho hộ gia đình và cá nhân.

Ông Đỗ Văn Chính, Phó chủ tịch UBND xã Ngọc Thanh là người Sán Dìu, cho biết: “Thời gian tới, chính quyền xã tiếp tục chú trọng phát triển kinh tế-xã hội ở những thôn, làng còn gặp khó khăn, nhất là địa bàn người dân tộc Sán Dìu sinh sống, tạo việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số, phấn đấu không còn hộ nghèo và cận nghèo. Bên cạnh đó, xã khuyến khích những người dân tộc Sán Dìu truyền dạy, bảo tồn và phát huy tiếng nói, chữ viết riêng của dân tộc mình, đồng thời xóa bỏ những hủ tục không còn phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế-xã hội hiện nay”.

HÀ THIỆN HÙNG

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Xã hội xem các tin, bài liên quan.